(TSVN) – Hiện nay, thức ăn tươi sống là thành phần không thể thiếu trong các trại giống và nuôi thương phẩm thủy sản.
Theo các chuyên gia, thức ăn tươi, sống dùng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã có từ rất lâu đời và phong phú về chủng loại và thành phần. Theo đó, chúng thuộc các nhóm chính như cá tạp, nhuyễn thể và giáp xác, vi tảo (tảo lục, tảo xoắn…), artemia sp, rotifers sp (luân trùng), giun, trùn (giun nhiều tơ, trùn chỉ, trùn quế…). Đa số các sản phẩm tươi, sống từ cá tạp, nhuyễn thể và giáp xác sử dụng để nuôi các loài như cá da trơn sử dụng khoảng 80% thức ăn tươi sống, tôm thịt khoảng 38%, cá mú biển chiếm 100% và tôm hùm chiếm 100% tỷ trọng thức ăn.
Thức ăn tươi sống được cho là có nhiều đặc điểm khác biệt với các thức ăn chế biến khác mà cho đến nay thức ăn tươi sống vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong NTTS. Cụ thể như khả năng phân bố sẵn với số lượng lớn trong tự nhiên (phân bố tự nhiên trong thủy vực); có kích thước nhỏ (50 – 350 µm); bơi lội chậm chạp, lơ lửng trong tầng nước; tính chịu đựng cao với môi trường sống (chịu đựng được môi trường khắc nghiệt, rộng muối, nuôi mật độ cao…); chúng có sức sinh sản cao, tốc độ sinh sản nhanh; ăn lọc không chọn lọc và dễ dàng được làm giàu hóa để trở nên giàu dinh dưỡng. Nên chúng trở thành con mồi thích hợp cho ấu trùng cá vừa mới hết noãn hoàng không thể ăn được các loại thức ăn có kích cỡ lớn; Có hàm lượng dinh dưỡng cao và phù hợp với nhiều đối tượng nuôi khác nhau. Thức ăn tươi sống như cá tạp, nhuyễn thể và giáp xác vốn là một phần trong chuỗi thức ăn tự nhiên của các loài nuôi thương phẩm nên phù hợp khẩu vị, cảm quan tốt, chứa hàm lượng protein và lipid hài hòa, lượng vitamin dạng hữu cơ dễ hấp thu.
Artemia là một trong những thức ăn tươi sống quan trọng cho ấu trùng các loài thủy sản. Ảnh: ST
Cá tạp, nhuyễn thể và giáp xác: Nhiều nghiên cứu cho thấy các thức ăn tươi sống có đặc điểm dễ hấp thu, tiêu hóa nhanh, chỉ số FCR lớn hơn 4. Hàm lượng vitamin hài hòa và đầy đủ nên thường các hộ nuôi chỉ bổ sung thêm C để tăng đề kháng. Cá mè trắng đạt kích cỡ mồi (cá hương hoặc cá giống) có thể dùng làm thức ăn cho các loài cá đặc sản khác như chạch lấu, chình, bống tượng… đạt mức tăng trọng trung bình 50 – 60 g/con/tháng. Với tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian thành thục ngắn, cá rô phi cũng là thức ăn trực tiếp cho baba, lươn, cá lăng, cá chình… có thể đạt mức tăng trọng 0,4 – 0,8 kg/con/năm.
Artemia sp: Theo các chuyên gia, thức ăn tươi sống từ Artemia sp có nhiều dạng như tươi sống, sấy khô (bào xác) và đông lạnh, chúng được xem là nguồn dinh dưỡng tốt cho ấu trùng tôm cá nhờ hàm lượng đạm, chất béo cao và hợp lý. Các chỉ tiêu về các sản phẩm Artemia sp được quan tâm nhiều nhất là tỷ lệ nở, đạm, lipid (HUFA, PUFA, SFA..), carbohydrate, các thành phần khoáng đa lượng và vi lượng…
Thức ăn nguồn gốc từ các loài giun (trùn chỉ, trùn quế, giun đỏ): Đây cũng là nhóm nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phần lớn người nuôi thủy sản. Đặc tính chung của các loài này là được nuôi hoặc bắt ở các nền đáy ao, sông hồ, kênh rạch có chứa mùn bã hữu cơ. Thức ăn của chúng có thể là phân gia súc, phân bón và do đó chúng được liệt vào dạng kiểm soát đặc biệt.
Luân trùng: Tại Việt Nam, luân trùng đặc biệt được xem là thức ăn tự nhiên quan trọng cho ấu trùng các loài tôm cá có giá trị kinh tế cao như ấu trùng cua, tôm càng xanh,cá bống tượng, cá chẽm, cá đối, cá mú…
Vi tảo: Thống kê hiện nay cho thấy có hàng trăm loại tảo và vi tảo được sử dụng trong thủy sản. Tuy nhiên nổi bật trong nhóm ấy là tảo xoắn (spirulina sp) và tảo lục (chlorella). Đa số các trại giống tôm cá ngày nay sử dụng chúng như thức ăn tươi, sống bổ sung hay làm giàu hóa sử dụng các vector là artemia, rotifers…Đặc điểm của dòng sản phẩm này là sự sạch hóa từ công đoạn nuôi đến sản xuất, đóng gói và tiêu thụ. Các sản phẩm từ tảo xoắn và tảo lục được kiểm soát chặt chẽ từ môi trường nuôi cấy đến đóng gói thông qua công đoạn chế biến có sấy khô đến độ ẩm dưới 12% nhằm kéo dài thời gian bảo quản. Vì thế, đây được xem là những sản phẩm thức ăn tươi sống có chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cao.
Thức ăn tươi sống rất quan trọng đối với thủy sản, tuy nhiên, khi sử dụng chúng, người nuôi cũng phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Rủi ro do nguồn thức ăn này mang lại có thể kể đến như tỷ lệ hao hụt lớn, trên 30% đối với tôm hùm và cá mú thịt. Các nguyên nhân có thể kể đến như lây nhiễm chéo ký sinh trùng, vi khuẩn và virus gây bệnh từ các nhóm cá tạp, nhuyễn thể và giáp xác. Nhiều nghiên cứu cho thấy các sản phẩm từ giun, trùn có chứa một lượng lớn ký sinh trùng, vi khuẩn gây hại như các chủng E. coli, Salmonella sp… Chúng có thể là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh lớn.
Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn tươi không đảm bảo chất lượng gây ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thủy sản và con người. Do đó, đối với thức ăn tươi cần chọn cá tươi, bảo quản đúng cách để đảm bảo chất lượng. Trong quá trình nuôi, cần chú ý theo dõi tình trạng hoạt động, mức độ bắt mồi của đối tượng nuôi để tránh cho thừa thức ăn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Đối với luân trùng, trong quá trình sử dụng cần chú ý đến điều kiện phù hợp nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng của chúng, chọn thời điểm cho ăn thích hợp với giai đoạn phát triển của ấu trùng tôm cá. tỷ lệ sống của ấu trùng cá từ 44,8 – 67,2%.
Lê Loan