Lưu ý nuôi cá bớp lồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Vị trí đặt lồng nuôi cá bớp thế nào là thích hợp?

(Phạm Hoài Nam, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)

Trả lời:

Trong nuôi cá lồng bè, do chất lượng nước không thể kiểm soát được như trong các thuỷ vực, ao đầm mà tùy thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Vì thế chọn lựa vị trí thích hợp sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công nuôi. Thông thường, tiêu chuẩn lựa chọn vị trí nuôi tuân thủ theo các điều kiện sau:

– Vùng đáy nơi đặt lồng là đất thô hoặc đất cát.

– Kín gió: Lồng nuôi cần đặt ở vùng eo, vịnh hay mặt sau của đảo, tránh nơi sóng to, gió lớn có thể làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá khó bắt mồi dẫn đến hoạt động yếu gây chậm lớn và phát sinh bệnh.

– Độ sâu từ đáy lồng nổi cách mặt đáy biển ít nhất 5 – 10 m khi thủy triều xuống thấp nhất.

– Cần tránh đặt lồng nơi nước chảy quá yếu hay nước đứng dễ dẫn đến tình trạng cá thiếu ôxy yếu dần và chết.

– Tốc độ dòng chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6 m/giây.

– Đảm bảo hàm lượng ôxy từ 4 – 6 mg/l, nhiệt độ 25 – 30oC, pH từ 7,5 – 8,5, độ mặn từ 20 – 34‰, thời gian độ muối xuống thấp dưới 20‰ không kéo dài quá 10 ngày/tháng, độ trong của nước từ 0,5 – 4 m.

– Tránh xa những nơi bị ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải độc hại, nước thải sinh hoạt và khu vực bến cảng nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu.

Hỏi: Biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho cá bớp nuôi lồng?

(Lê Văn Thành, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Việc phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu trong nghề nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá bớp nói riêng, bởi đây là loài ăn thức ăn tươi như cá bớp. Công việc này phải tiến hành ngay từ đầu để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi. Do đó, trong quá trình nuôi cần giữ cho môi trường nước sạch sẽ, lồng lưới thông thoáng. Sau một thời gian nuôi khoảng 1 tháng, lưới lồng sẽ bị các sinh vật biển bám và phá như hàu, vẹm, thủy tức, rong biển… Điều này làm hạn chế dòng chảy qua lồng, giảm lượng ôxy cung cấp, tăng mầm bệnh ký sinh và dễ làm xây xát cá nuôi. Khi đó nếu kết hợp với một số nguyên nhân khác như môi trường biến động, sức khỏe cá giảm sẽ dễ làm cá nhiễm bệnh. Vì vậy nên thường xuyên cọ rửa lưới hoặc định kỳ 1 – 2 tháng thay lưới một lần.

Sử dụng cá tạp tươi, thức ăn hỗn hợp có chất lượng tốt. Định kỳ 2 tháng tắm cho cá một lần bằng dung dịch thuốc tím (KMnO4) nồng độ 5 ppm trong thời gian 15 – 20 phút. Định kỳ đo các chỉ tiêu môi trường nước (ôxy, pH, nhiệt độ, độ mặn) để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi môi trường thay đổi xấu như nước phát sáng, nhiều cặn bã, sinh vật lạ xuất hiện hay cá xung quanh bị nhiễm bệnh tiến hành treo trong lồng túi thuốc tím để phòng bệnh cho cá hoặc di chuyển lồng nuôi đến vị trí khác thuận lợi hơn. Khi phát hiện cá bệnh, cần nuôi cách ly, xác định rõ bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp. Nếu cá chết phải vớt lên và xử lý tiệt trùng, không vứt ra vùng nuôi nhằm tránh lây lan bệnh.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!