(TSVN) – Hỏi: Xin tư vấn phương pháp quản lý ao nuôi ghép tôm sú với cá dìa?
(Thái Văn Hoàng, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa)
Trả lời:
Nuôi ghép tôm sú với cá dìa, để hạn chế ô nhiễm nên sử dụng thức ăn công nghiệp dạng hạt, viên, lượng thức ăn hàng ngày đối với tôm từ 2 – 10% tổng trọng lượng đàn tôm nuôi. Cho tôm ăn ngày 3 – 4 lần, lượng thức ăn buổi sáng và tối nhiều hơn buổi trưa. Hàng ngày dùng sàng ăn để kiểm tra. Sàng ăn có kích cỡ 1 x 1 m hoặc có thể 0,8 x 0,8 m, thường 1 sàng/1.000 m2. Sau 2 – 3 giờ cho ăn (với tôm nhỏ hơn 10 g, 1 – 3 tháng) và 1,5 – 2 giờ với tôm cỡ lớn (20 g trở lên, trên 3 tháng nuôi). Đối với cá, dùng thức ăn viên nổi cho vào khung nổi cho cá ăn với tỷ lệ 2-3% trọng lượng thân. Một ngày nên cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều mát. Khi cho ăn nên cho từ từ để cá bắt mồi, sau khi cho cá ăn 15 – 30 phút mà trong khung hết thức ăn là vừa, tùy tình hình thực tế mà điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Lưu ý, cá dìa có thể cạnh tranh thức ăn với tôm vì thế cần cho cá ăn trước sau đó mới cho tôm ăn, đồng thời tăng cường thức ăn cho tôm vào buổi tối vì lúc này cá không bắt mồi.
Trong 30 ngày đầu không nên thay nước mà chỉ cấp nước bổ sung do nước bốc hơi và thẩm lậu, chỉ cấp thêm từ 10 – 20% nước từ nguồn nước sạch, độ mặn ổn định ít chênh lệch. Từ tháng thứ 2 trở đi có thể thay nước, mỗi lần thay nước cần kiểm tra chất lượng nước. Lượng nước thay nên từ 20 – 30% lượng nước ao. Sau mỗi lần thay nước cần kiểm tra lại các yếu tố trong nước ao như: pH, độ mặn…
pH thích hợp để tôm, cá phát triển tốt pH từ 7,5 – 8,5. Khi dao động độ chênh lệch trong ngày lớn hơn 0,5 thì phải xử lý bằng vôi nông nghiệp (CaCO3), hoặc vôi Dolomite với lượng 20 kg/1.000 m3 hòa nước tạt đều khắp mặt ao. Khi pH > 8,5 cần thay nước trong ao, lượng thay khoảng 20 – 30%. Khi pH < 7,5, cần bón vôi nông nghiệp với lượng 10 – 20 kg/1.000 m3 điều chỉnh pH đạt yêu cầu. Tốt nhất người nuôi nên định kỳ bón bột đá vôi CaCO3, Dolomite để tăng hệ đệm cho ao nuôi (thường 7 – 10 ngày bón 1 lần, lượng 10 – 20 kg/1.000 m3). Trong quá trình nuôi cần giữ độ trong từ 30 – 40 cm, nếu độ trong thấp 20 – 25 cm thì nên thay nước để giảm mật độ tảo.
Cần lắp đặt hệ thống quạt nước để bổ sung ôxy hòa tan trong nước đảm bảo hàm lượng ôxy luôn > 4 mg/lít, tạo dòng chảy gom thức ăn dư thừa và chất thải tập trung lại một chỗ, làm sạch khu vực cho ăn, giúp giải phóng một số khí độc trong ao nuôi… Trong suốt vụ nuôi cần giữ mực nước ao tối thiểu 0,8 – 1 m, tốt nhất nên 1,2 – 1,5 m. Sau những cơn mưa lớn phải tháo bỏ lớp nước mặt ra ngoài tránh độ mặn giảm đột ngột, đồng thời dùng máy quạt nước tạo dòng chảy đối lưu tầng mặt tầng đáy, hạn chế sự phân tầng của nước ao nuôi.
Định kỳ 10 – 15 ngày dùng Zeolite nhằm hấp thu một phần khí độc, hạn chế độ đục và làm sạch đáy ao do xác tảo và các chất hữu cơ gây ra, tạo môi trường ổn định. Các loại khí độc trong nước phải kiểm soát ở mức HsS < 0,03 mg/lít, NH3 < 0,2 mg/lít.
Hỏi: Yêu cầu về con giống trong mô hình nuôi tôm sú kết hợp cá dìa?
(Nguyễn Nam Khánh, xã Vĩnh Long, Thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang)
Trả lời:
Cần chọn nơi cung cấp con giống có uy tín, quan sát hoạt động và hình thể bên ngoài để có thể chọn được con giống tốt. Lựa chọn tôm có thân hình không dị hình gãy khúc, co thắt, vẹo thân, tôm phải bơi theo chiều ngược dòng nước (nếu có dòng chảy), tôm đều con, màu sắc sáng bóng… Nên chọn giống ương 4 – 6 cm hoặc 2 – 3 cm để thả.
Cá dìa giống thường được đánh bắt, thu gom ngoài tự nhiên, nên chọn cá có màu sắc tươi sáng, không dị hình, vây vảy hoàn chỉnh, không bị xây xát, lở loét. Cá hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, kích cỡ tốt nhất là 20 – 25 g/con trở lên.
Mật độ nuôi ghép nên thả ở mức sau: Tôm sú 7 – 15 con/m2, cỡ ≥ 2 – 3 cm. Nếu thả P15 thì nên thả ương trước 15 – 20 ngày khi tôm đạt kích thước ≥ 2 – 3 cm thì tiến hành thả cá. Cá dìa 0,5 – 1 con/m2, (20 – 25 g/con).
Thả giống vào lúc trời mát, thời gian thả 6 – 9 giờ sáng hoặc 5 – 7 giờ chiều, tránh lúc trưa nắng nhiệt độ cao. Nếu giống được vận chuyển kín thì ngâm túi chứa tôm, cá trong ao 15 – 20 phút sau đó mở túi để nước trong ao vào túi từ từ rồi thả ra ngoài. Nếu vận chuyển hở thì đưa thùng vận chuyển xuống ao cho nước ao vào sau đó nghiên dụng cụ để tôm, cá tự bơi ra ngoài.
Ban KHKT