Lưu ý trong nuôi cá chạch đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Quy trình cải tạo ao nuôi cá chạch đồng?

(Mai Xuân Hải, xã Tân An, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An)

Trả lời:

Diện tích ao nuôi cá chạch tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, không yêu cầu quá lớn, khoảng 200 – 2.000 m2, có cống cấp và thoát nước riêng biệt.  Không đào ao ở đất nhiễm phèn, tốt nhất là ở những khu vực là đất sét hay thịt pha sét. Xây dựng ao ở nơi thoáng mát, nhiều ánh nắng, gần nguồn cung cấp nước và thoát nước. Bờ ao chắc chắn, giữ được nước, cao hơn mực nước cao nhất trong ao 0,3 – 0,5 m để tránh nước tràn bờ, cá thoát ra ngoài. Đối với ao mới nên lấy nước vào ngâm xả phèn nhiều lần trước khi làm các bước tiếp theo. Đối với ao cũ, sau vụ nuôi tháo cạn nước, dọn sạch rong, cỏ, cây cối xung quanh ao… Sên vét lớp bùn đáy (để lại lớp bùn khoảng 20 – 25 cm), không nên để lớp bùn đáy quá dày nhằm tránh tích tụ nhiều chất thải hữu cơ (thức ăn thừa và phân cá) phát sinh mầm bệnh trong ao. Tiến hành phát quang, gia cố, tu sửa bờ ao, nén kỹ để chống mọi rò rỉ và sạt lở. Tiêu diệt các loại sinh vật gây hại cá còn sót lại dưới đáy ao hoặc xung quanh bờ, chủ yếu là các loài cá ăn thịt như lươn, cá rô, trê, lóc, các loại ấu trùng, côn trùng, cóc, ếch nhái. Diệt tạp bằng hạt mác, với liều lượng 1 kg/1.000 m2 hoặc Saponin 20 g/m3 nước (20 kg/1.000 m3). Sau khi vét bùn đáy, bón vôi khử trùng xong tiến hành lấy nước vào ao để đạt độ sâu 70 cm rồi gây màu nước. Lưu ý, khi lấy nước phải dùng lưới lọc để ngăn các loài địch hại. Gây màu nước thực chất là tạo môi trường thuận lợi cho tảo phát triển, tảo quang hợp mạnh sẽ cung cấp nhiều ôxy cho ao nuôi.

Hỏi: Kỹ thuật chăm sóc cá chạch đồng trong ao?

(Phan Hoàng Hà, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định)

Trả lời:

Với đặc điểm sinh học là loài ăn tạp, vì vậy, thức ăn của cá chạch đồng chủ yếu là phù du, vi sinh vật và cả phụ phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, người nuôi cần bổ sung thêm các loại thức ăn như: khô đậu, cám gạo, nhộng tằm, thức ăn chế biến, cá tạp, ốc xay.

Cá chạch có tập tính ăn chủ yếu vào ban đêm, vì vậy nên cho cá vào chiều tối. Cho ăn 1 – 2 lần/ngày, lượng thức ăn khoảng 5 – 8% trọng lượng thân.

Trong ao, người nuôi có thể thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn cho cá tránh nóng, tránh rét và làm sạch môi trường nước. Khi trời rét cũng có thể sử dụng rơm rạ thả cho cá trú ẩn, đồng thời bơm nước cao khoảng 70 – 80 cm để nuôi xen canh với các loại cá khác như trắm đen, chép để tận dụng thức ăn dư thừa.    

Trong quá trình nuôi, cá chạch có thể mắc một số bệnh như nấm, đốm đỏ lở loét, bệnh đường ruột… Để phòng bệnh, người nuôi cần thường xuyên trộn thêm Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho chạch, định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần 3 – 5 ngày liên tục. 

Thường xuyên theo dõi quá trình hoạt động của cá để có những điều chỉnh thích hợp. Theo dõi thật kỹ từ cách cho ăn đến sự biến đổi môi trường (ôxy, pH, khí độc). Khi phát hiện cá có dấu hiệu bị nhiễm bệnh cần có biện pháp điều trị kịp thời. Định kỳ thay nước đảm bảo nước không bị ô nhiễm.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!