Lưu ý trong nuôi cá rô phi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tôi có ý định nuôi cá rô phi. Xin hỏi một số giống rô phi cho hiệu quả kinh tế cao?

(Trần Thái Bảo, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam)

Trả lời:

Hiện ở nước ta đang nuôi nhiều các loại rô phi khác nhau, tuy nhiên phổ biến là loại rô phi dòng Gift, rô phi đỏ (điêu hồng) và rô phi Đường Nghiệp.

Rô phi dòng Gift: Sinh trưởng nhanh, ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon và kích cỡ thương phẩm lớn, đạt yêu cầu cho chế biến xuất khẩu.    

Rô phi đỏ (điêu hồng): Là một dạng đột biến của loài rô phi vằn. Vảy trên thân có màu vàng đậm, hoặc vàng nhạt hoặc màu đỏ hồng, cũng có thể gặp những cá thể có màu vàng, màu hồng xen lẫn những đám vảy màu đen nhạt. Điêu hồng dễ nuôi, nhanh lớn, chất lượng thịt ngon và rất được thị trường ưa chuộng.

Rô phi Đường Nghiệp: Những năm gần đây, dòng rô phi Đường nghiệp đang được ưa chuộng hơn cả, với ưu điểm tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chống bệnh và chịu lạnh cao. Bản chất, rô phi Đường nghiệp là thế hệ F1 của 2 loài rô phi xanh (Oreochromis aureaus) và rô phi vằn (Oreochromis niloticus). Rô phi Đường Nghiệp có tốc độ tăng trưởng trung bình cao khoảng 1 – 1,4 kg/con/6 tháng, gấp 1,4 – 1,6 lần dòng Gift, năng suất đạt 20 – 21 tấn/ha. Cá có thời gian nuôi ngắn, ít bị phân đàn, thuận lợi cho quá trình chăm sóc, quản lý và thu hoạch.

Hỏi: Thức ăn sử dụng cho cá rô phi là gì? Phương pháp cho ăn như thế nào?

(Phan Thanh Nam, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định)

Trả lời:

Có thể sử dụng nhiều loại thức ăn để nuôi cá rô phi, tốt nhất là sử dụng thức ăn công nghiệp. Trong đó, sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi sẽ hạn chế sự thất thoát và giảm thiểu ô nhiễm nước. Cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm khoảng 18 – 35%. Thời gian đầu, nên ưu tiên dành thức ăn có hàm lượng đạm cao (30 – 35%) để cá nhanh lớn, có sức đề kháng với bệnh và tăng tỷ lệ sống. 

Cho cá ăn 2 lần/ngày vào sáng và chiều tối. Trong tháng đầu tiên, cho cá ăn 

7 – 10% trọng lượng cá; Tháng thứ 2 cho ăn 5 – 7% trọng lượng cá; Tháng thứ 3 đến tháng 4, giảm còn 3 – 4% trọng lượng cá. Từ tháng 4 trở đi cho ăn 2 – 3% trọng lượng cá, giai đoạn này thức ăn có hàm lượng đạm thấp hơn, khoảng 18 – 20%.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều người nuôi đã sử dụng thức ăn tự chế, Bao gồm: Các loại thức ăn tinh như bột ngô, khoai sắn, gạo, cám…; thức ăn xanh như rau muống, bèo trứng cá, bèo tấm, bèo hoa dâu, rau thái nhỏ…; các loại động vật như tôm, cá nhỏ, giun, ốc xay nhỏ và các phần loại thải của chế biến thực phẩm (bã bia, bã rượu, lòng trâu – bò…). Thức ăn tự chế được cho vào sàng ăn đặt ở 2 – 3 địa điểm trong ao. Hàng ngày kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!