Mang thai ở tuổi vị thành niên: Trách nhiệm không của riêng ai

Chưa có đánh giá về bài viết

Chủ đề Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay là “Mang thai ở tuổi vị thành niên”. Tỷ lệ trẻ em nữ mang thai ngày càng cao là thực trạng đáng báo động. Nguyên nhân sâu xa từ nghèo đói, bất bình đẳng giới, bạo lực, tảo hôn…

Những con số đáng buồn

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), mỗi năm có khoảng 16 triệu em gái tuổi 15 – 19 sinh con; 10 trẻ vị thành niên thuộc nhóm này thì 9 đã lập gia đình. Các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ với các em gái 15 – 19 tuổi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trên toàn cầu, cứ 3 nữ thanh niên tuổi 20 – 24 thì có 1 người (tương đương khoảng 70 triệu người) kết hôn trước tuổi 18.

Mang thai ở tuổi vị thành niên – thực trạng nhức nhối – Nguồn: tintuc.rolo.vn

Theo thống kê ở Việt Nam, cứ 5 ca nạo phá thai thì một ở tuổi vị thành niên. Tại khắp các vùng miền, nhất là thành thị, tuổi vị thành niên có xu hướng quan hệ tình dục ngày càng sớm. Các em hầu như chưa có gia đình, phá thai là biện pháp duy nhất để không trở thành mẹ ngoài ý muốn. Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ vị thành niên có thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm: Năm 2010 là 2,9%; năm 2011 là 3,1%; năm 2012 là 3,2%, tương ứng tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này là 2,2% (2010), 2,4% (2011) và 2,3% (2012). Hiện, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và thứ năm trên thế giới.

 

Hậu quả lớn

Nguyên nhân của thực trạng trên là do tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân; các dịch vụ chăm sóc SKSS, tình dục chưa được phổ biến rộng rãi; thiếu những hiểu biết sâu và những số liệu thống kê chính thức về tình trạng mang thai, tỷ lệ phá thai và tình trạng sinh con sớm ở tuổi vị thành niên… Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay, hơn 500 triệu trẻ em gái sinh sống tại các nước đang phát triển đang phải đối mặt những khó khăn, thách thức mà không tự giải quyết được; đặc biệt là thường phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi, phải mang thai và sinh con khi các em chưa thực sự trưởng thành về thể chất, tình cảm. Cũng theo UNFPA, một số rủi ro thường xảy ra khi sinh con ở tuổi vị thành niên bao gồm: nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao. Bên cạnh đó, kết hôn sớm cũng khiến các em phải chịu áp lực trong sinh nở, chăm sóc con cái và gia đình khi chưa đủ trưởng thành…

 

Truyền thông thay đổi hành vi

A Lưới là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên – Huế, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng đến nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở đây chưa đạt kết quả mong muốn, tỷ lệ tảo hôn vẫn trên 10% (cứ 10 đôi kết hôn thì một đôi tảo hôn). Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm DS – KHHGĐ huyện, trong 5 năm lại đây (2008 – 2012), toàn huyện có 2.130 cặp kết hôn thì có 211 cặp tảo hôn và 10 cặp hôn nhân cận huyết thống. Năm 2012, trong số 503 cặp kết hôn thì 51 cặp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 10,1%. Bà Phạm Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện cho biết, do tập tục và quan niệm lạc hậu, nhiều trẻ vị thành niên ở A Lưới đã kết hôn ở tuổi rất nhỏ, thậm chí mới hơn 10 tuổi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của nghèo đói, gia tăng trẻ suy dinh dưỡng và đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi.

Cần thường xuyên tư vấn kiến thức về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục đầy đủ và toàn diện cho lứa tuổi vị thành niên – Ảnh: CTV

Để hạn chế, ngăn chặn thực trạng này, UBND huyện A Lưới vừa phê duyệt Đề án “Ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2013 – 2017, định hướng đến năm 2020”, xác định mục tiêu đến năm 2020 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi được nạn tảo hôn và không còn hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, A Lưới cần quan tâm nhiều nữa công tác DS – KHHGĐ, tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện tại cơ sở. Phát huy vai trò gia đình và cá nhân trong thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, góp phần nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ; lồng ghép, xây dựng Câu lạc bộ “Phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” kết hợp với Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Phụ nữ sinh con một bề không sinh con thứ 3 trở lên”, “Gia đình hạnh phúc”…

UNFPA khuyến nghị: Việt Nam cần thực hiện đầu tư sớm, có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái vị thành niên; đồng thời bảo vệ quyền con người cho các em, tạo tác động tích cực tới cuộc sống, giúp giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ SKSS và phòng chống HIV/AIDS cho vị thành niên. Đặc biệt, cần bảo đảm các dịch vụ này được cung cấp tới các em một cách tế nhị, bí mật, không mang tính phán xét hay phân biệt đối xử, không hạn chế về pháp lý và phù hợp các quy định quốc tế…

>> Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em: Ngành y tế cần tăng tính tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình; khuyến khích vị thành niên và thanh niên tham gia quá trình chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục; đồng thời nâng cao nhận thức của vị thành niên, thanh niên, cộng đồng về SKSS; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục SKSS…

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!