(TSVN) – Theo đánh giá, việc khai thác quá mức trong những năm qua đã khiến nguồn lợi hải sản trên các vùng biển suy giảm nghiêm trọng. Để phát triển nghề khai thác một cách bền vững, nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, bao gồm cả vấn đề bảo quản sản phẩm.
ThS Phạm Văn Long ở Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam đánh giá, tổn thất trong bảo quản sau khai thác biển hiện nay còn rất lớn, theo các tỷ lệ được công bố một năm giá trị thất thoát có thể tới 40.000 tỷ đồng, gần 2 tỷ USD. Cho nên, việc giảm tổn thất sau thu hoạch là lĩnh vực rất cần được tập trung đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế biển.
Theo đó, để thể nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác sau thu hoạch việc ứng dụng khoa học công nghệ được nhận định là hết sức cần thiết. Bởi, các giải pháp từ công nghệ sẽ giúp tăng cường tính chính xác của dữ liệu; đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời; quản lý tập trung trên quy mô lớn; giảm thiểu thời gian và chi phí truy xuất nguồn gốc; khai thác tốt dữ liệu sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho ngư dân và doanh nghiệp…
Cần nhiều giải pháp khuyến khích ngư dân ứng dụng công nghệ trong khai thác. Ảnh: NH
Thời gian qua, nhiều địa phương ven biển đã triển khai các mô hình khai thác thủy sản ứng dụng công nghệ cao rất có hiệu quả. Trung tâm Khuyến ngư – nông – lâm Đà Nẵng đã tiến hành hỗ trợ máy dò cá, định vị hải đồ, tích hợp nhận dạng tàu, phao tín hiệu, trang thiết bị đèn LED, pin năng lượng mặt trời… cho các ngư dân để lắp đặt trên các tàu cá. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ và TP Đà Nẵng, ngư dân địa phương đã được hỗ trợ trang bị hàng trăm máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM 710, ICOM 718, VX-170), thiết bị giám sát hành trình và hầm bảo quản, hệ thống lạnh. Tỉnh Khánh Hòa hiện đó có 548 tàu tham gia khai thác cá ngừ với ngành nghề chính như nghề lưới cản khơi. Tỉnh đã hỗ trợ các tàu trang bị hệ thống đèn thống đèn LED, các thiết bị công nghệ kỹ thuật số, ra đa hàng hải… Còn tại Quảng Trị, địa phương đã giúp ngư dân sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, 50% dầu máy của các tàu được sử dụng là để chạy máy phát điện; sử dụng công nghệ đèn LED giúp tiết kiệm 30% điện năng, giảm chi phí nhiêu liệu đốt sáng, giảm giá thành.
Việc hiện đại hóa nghề đánh bắt, sử dụng khoa học kỹ thuật, máy móc đã và đang giúp giảm bớt sự vất vả, tăng thu nhập cho ngư dân, tăng sản lượng chế biến, xuất khẩu. Song, nếu chạy theo phong trào, đua nhau đóng tàu, khai thác theo kiểu “tận thu, tận diệt” thì nguy cơ tài nguyên sẽ suy kiệt khó tránh khỏi.
Hiện nay, các tỉnh ven biển đang hình thành mô hình đánh bắt theo tổ, đội theo các đoàn tàu, vừa chống đánh bắt cá bất hợp pháp, vừa giám sát, thực hiện đánh bắt đúng các quy định của Luật Thủy sản.
Hơn ai hết, ngư dân, chủ tàu, người trực tiếp khai thác đánh bắt hải sản là những người có vai trò giám sát, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước. Tuy vậy, cuộc sống mưu sinh khó khăn và nguy hiểm trên biển cũng rất đáng nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng.
Trước mắt, để ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững và trách nhiệm, cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong chống khai thác IUU; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, cũng cần có chính sách hỗ trợ ngư dân trong việc mua bảo hiểm cho các con tàu được đầu tư khoa học kỹ thuật hiện đại, chính sách hỗ trợ ngư dân khi ngư trường thu hẹp, sản lượng khai thác (đặt biệt sản lượng gần bờ) đang ngày càng sụt giảm.
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2020; cần cập nhật thông tin dự báo ngư trường để tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho ngư dân, tổ chức khai thác theo tổ, đội. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến từ khâu khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến và xuất khẩu hải sản. Tổ chức rà soát đánh giá tổn thất sau thu hoạch, ưu tiên nguồn lực tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ hoạt động khai thác, bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản. Khuyến khích doanh nghiệp tập trung chế biến sản phẩm thủy sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu và an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến đồ hộp, chuẩn bị kho lạnh mua dự trữ nguyên liệu để sau dịch COVID-19 có thể xuất khẩu đến các thị trường trên thế giới, nhất là châu Âu, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.
Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với nhiều đơn vị như Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện, trường, các chuyên gia nghiên cứu cũng như các nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản nhằm nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ trong khai thác thủy sản. Cùng đó, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạng ứng dụng hoa học công nghệ trong khai thác, có nhiều nghiên cứu về ngư lưới cụ, thiết bị trong khai thác, bảo quản sản phẩm, bảo tồn nguồn lợi thủy sản…
Để chuyển đổi ngành khai thác thủy sản từ một ngành mang nặng tính thủ công, lạc hậu thành một ngành hiện đại hóa rất cần việc ngư dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến, bảo quản trên tàu cá; từ đó bảo đảm các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
>> Theo ghi nhận, các tàu cá ứng dụng máy dò cá giúp tăng sản lượng đánh bắt 50%; bóng đèn tiết kiệm điện giúp tránh lãng phí đến 60% nhiên liệu dùng cho thắp sáng; hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ PU Foams giúp kéo dài thời gian bảo quản thêm từ 7 đến 10 ngày so bình thường, giảm được lượng nước đá hao hụt từ 20% xuống chỉ còn từ 2% đến 4%/chuyến biển. |
Nguyễn Anh