(TSVN) – Sau chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống vào Việt Nam, các địa phương trên cả nước tích cực ngăn chặn.
Thời gian qua, tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt đã và đang diễn ra rất phổ biến, phức tạp, dẫn đến nguy cơ rất cao xâm nhiễm các loại mầm bệnh (đốm trắng, bệnh sữa,…), tôm kém chất lượng, tổn thất lớn kinh phí của người mua tôm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành nuôi tôm hùm, vi phạm pháp luật về kiểm dịch thú y và thuế quan. Để chấm dứt những sai phạm và tổn thất này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 7088/BNN-TY về sự gia tăng tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt Nam thời gian gần đây, dẫn đến nguy cơ cao về xâm nhiễm các mầm bệnh. Trong đó yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cảng hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông, đường biển để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ngày 23/9/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng, đơn vị, địa phương (Công an, Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ đạo 389…) rà soát, đấu tranh với các đối tượng nhập lậu, vận chuyển trái phép tôm hùm giống vào tỉnh, kiểm tra các cơ sở nuôi trồng thủy sản để phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm túc các trường hợp nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống theo quy định của pháp luật.
Các sở, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan (đặc biệt Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai), các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống dưới mọi hình thức qua các cửa khẩu, lối mòn, lối mở biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân biết, chủ động ngăn chặn, khai báo, cung cấp thông tin đến cơ quan chuyên môn về tác hại của việc nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống vào địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản… từ đó kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Tại tỉnh Khánh Hòa, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tiếp đó, Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa có văn bản gửi các cơ quan báo chí tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đề nghị tập trung tuyên truyền các vấn đề liên quan đến ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống.
Cụ thể, các đơn vị cần tập trung tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhận biết về nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài vào tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; vận động người dân tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt Nam; không bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Trước đó, ngày 24/9/2024, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng đã ban hành Văn bản số 809/ĐTCBL-P2 về việc tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhập lậu tôm hùm giống.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, tôm hùm giống nhập lậu vào nước ta chủ yếu có nguồn gốc từ Philippines và Indonesia, quá cảnh qua một số nước rồi vận chuyển về Việt Nam. Các phương thức nhập lậu chủ yếu gồm tuyến hàng không, trong đó tôm hùm giống được quá cảnh qua Singapore về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất dưới dạng hành lý hoặc cất giấu trong hàng hóa nhập khẩu; và trên tuyến đường bộ, trọng điểm là một số cửa khẩu biên giới giáp Campuchia (Hoa Lư, Hà Tiên, Bình Hiệp…), các đối tượng cất giấu trong hành lý, hàng hóa hoặc lợi dụng cư dân biên giới, đường mòn lối mở để vận chuyển vào Việt Nam.
Để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép tôm hùm giống vào nước ta, Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là tuyến hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, nhằm phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng tôm hùm giống.
Bảo Hân
(Tổng hợp)