(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2011, sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,2 triệu tấn (bằng 90,9% so cùng kỳ); sản lượng nuôi trồng đạt 3 triệu tấn, trong đó sản lượng tôm 402 tấn, cá tra 1,2 triệu tấn, xuất khẩu thủy sản trên 6,1 tỷ USD. Tuy vậy, cũng chưa bao giờ các doanh nghiệp thủy sản lại lâm vào cảnh khốn đốn như hiện nay.
Hệ lụy tăng trưởng nóng
Quý I năm 2012 có rất nhiều doanh nghiệp thủy sản đã gặp không ít khó khăn, nhiều nhà máy chế biến thủy sản giảm công suất hoặc tạm ngừng hoạt động, bởi sản xuất kinh doanh không đạt hiệu quả; một số doanh nghiệp thủy sản lâm cảnh nợ chồng chất, tại sao như vậy? Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã cảnh báo sau lễ mừng công xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt mức 6 tỷ USD năm 2011; năm 2012 sẽ gặp khó khăn, ít nhất trên 20% số doanh nghiệp thủy sản phá sản. Chẳng phải ngẫu nhiên VASEP tiên liệu như vậy, bởi năm 2012 các ngân hàng tiếp tục siết chặt tín dụng, cộng với nguồn nguyên liệu khan hiếm, dịch bệnh liên miên, thị trường xuất khẩu khó khăn, các khoản chi phí đầu vào tăng…
Năm 2011, sản lượng nuôi cá tra đạt 1,2 triệu tấn – Ảnh: Duy Khương
Nhìn vào sự phát triển nóng của ngành thủy sản thời gian qua, nhiều người trong nghề chẳng thấy mừng mà lo thêm. Từ những năm 2007 – 2010, các tỉnh thành ĐBSCL rộn ràng chạy đua xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, chủ yếu để sản xuất tôm và cá tra. Đến giờ này, toàn vùng đã có trên 190 nhà máy chế biến thủy sản, với công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn/năm. So với năm 2003, số nhà máy tăng gấp 2,3 lần, công suất thiết kế tăng gấp 2,7 lần. Bùng nổ việc xây dựng nhà máy, trong khi thiếu đầu tư quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững đã đẩy hàng loạt nhà máy thiếu nguyên liệu, bình quân các nhà máy thủy sản chỉ chạy khoảng 30 – 50% công suất; thậm chí hiện nay nhiều nhà máy chế biến tôm ở ĐBSCL chỉ chạy 10 – 30% công suất, có nhà máy ngưng hoạt động. Đây là một lãng phí rất lớn của việc đầu tư theo phong trào. Đáng lo hơn là rất nhiều người ngoài ngành, không am hiểu về thủy sản cũng lao vào thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Từ đó dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, như làm hàng kém chất lượng, bán phá giá… gây mất uy tín hàng thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tế cho thấy, nghề nuôi và chế biến thủy sản thời gian qua phát triển tự phát quá nhanh. Việc quản lý thủy sản, quản trị kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cung ứng vốn và các dịch vụ đi kèm… hầu như chưa đáp ứng kịp tốc độ bùng nổ của ngành thủy sản. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp đã và đang vỡ nợ; nhiều nhà máy đã đóng cửa và số lượng tới đây sẽ tiếp tục tăng.
Hàng loạt công nhân thủy sản đứng trước cảnh mất việc làm. Trong khi đó giá tôm sú và cá tra dù duy trì ở mức cao nhưng nhiều hộ đành ngậm ngùi “treo đầm” vì kiệt sức, hết vốn, nợ vốn, thu hồi kéo dài.
Mạnh tay tái cấu trúc ngành
Theo ngành thủy sản Việt Nam, để đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2012; hướng đến 8 tỷ USD năm 2015; và 10 tỷ USD năm 2020… là một thách thức không nhỏ trong tình hình khó khăn vây bủa này. Để ngành thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn khốc liệt hiện nay, cần mạnh tay “phẫu thuật” bằng một “cuộc cách mạng lần thứ 2”. Tái cơ cấu ngành thủy sản từ khai thác, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần, chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản. Quy hoạch quản lý khoa học kỹ thuật đào tạo…; trước mắt cấp bách sắp xếp lại chuỗi sản xuất hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nuôi – nhà cung cấp thức ăn – doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.
Theo các nhà kinh tế, đây cũng là thời điểm cần mạnh dạn xóa sổ những doanh nghiệp làm ăn kiểu chụp giựt cơ hội theo phong trào. Ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tái đầu tư cho những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả tốt, đầu tư chiều sâu, doanh nghiệp có thương hiệu để họ duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho công nhân và giữ vững thị trường xuất khẩu.
>> Làm sao cơ quan quản lý nhà nước thật sự là “người đồng hành” với doanh nghiệp và người nuôi, cùng khai thác lợi thế, tiềm năng, chung sức để đưa thế mạnh ngành thủy sản phát triển bền vững tiếp bước vững chắc trên con đường làm giàu từ thủy sản.
Phương Đông