Ngành sản xuất tôm giống Việt Nam cần giải quyết ngay những bất cập còn tồn tại; nếu không có kế hoạch dài hạn và quyết liệt thì ngành tôm khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD đến năm 2025. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị “Quản lý chất lượng giống tôm nước lợ” do Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận và Sở NN&PTNT Bình Thuận tổ chức sáng nay tại Bình Thuận.
Toàn cảnh Hội nghị “Quản lý chất lượng giống tôm nước lợ”
Cần 130 tỷ con giống mỗi năm
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2016, sản lượng giống tôm nước lợ cả nước đạt hơn 104,4 tỷ con (bằng 130,5% so kế hoạch). Tính đến hết tháng 3/2017, cả nước có 1.863 cơ sở sản xuất cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó, 1.297 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 566 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản xuất 22,7 tỷ con giống.
Với nhu cầu tôm giống hàng năm của nước ta khoảng 130 tỷ con thì số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống là 230.000 con (trong đó 200.000 con tôm thẻ chân trắng và 30.000 con tôm sú). Hiện tại, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất giống chủ yếu từ 3 nguồn là đánh bắt tự nhiên, nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Với tôm sú bố mẹ, sản xuất trong nước khoảng 8.000 – 10.000 con, nhập nội khoảng 3.000 con, còn lại là khai thác từ tự nhiên. Tôm sú bố mẹ sản xuất trong nước chủ yếu từ Công ty TNHH Moana Ninh Thuận. Năm 2016, Công ty sản xuất được gần 10.000 con tôm sú bố mẹ. Với tôm thẻ chân trắng, chủ yếu được nhập hẩu từ ISI (Mỹ), SIS (Singapore), kona Bay (Mỹ) và CP (Thái Lan).
Tuy nhiên, ngành sản xuất tôm giống hiện nay đang có nhiều bất cập, như: Các cơ sở chưa thực hiện công bố chất lượng tôm giống sản xuất từ nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu và tôm chọn tạo trong nước để người nuôi lựa chọn. Nhiều cơ sở tôm giống chỉ thu gom tôm giống trôi nổi, không có nguồn gốc, đóng bao bì nhãn mác và cung cấp cho người nuôi, không chịu bất kỳ một kiểm tra, kiểm soát nào. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn còn sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc để sản xuất tôm giống và cung cấp Nauplius cho các cơ sở ương dưỡng.
Chẳng hạn như trường hợp ở Bạc Liêu, từ danh sách 17 cơ sở trốn kiểm dịch do Thanh tra Sở NN&PTTN Bạc Liêu cung cấp, tháng 3/2017, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục An ninh kinh tế (A86) tổ chức Đoàn thanh tra đột xuất các sở sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Qua kiểm tra chỉ có 6/11 cơ sở có địa chỉ sản xuất, còn lại không tìm thấy.
Trước đó, tại Phú Yên, theo phản ánh của người dân, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơ sở sản xuất giống sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc. Ngay sau khi nhận được thông tin, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với A86 và An ninh kinh tế tỉnh Phú Yên (PA81) tiến hành thanh tra và xử lý đối với 4 cơ sở, tiêu hủy 4.400 con bố mẹ.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Trần Đình Luân, những vụ việc trên đều được phát hiện và xử lý kịp thời dựa trên nguồn thông tin cung cấp từ địa phương, hiệp hội, doanh nhiệp…; Đây là minh chứng cho sự phối hợp có hiệu quả, do đó cần tăng cường sự phối hợp này để hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh tôm giống ngày càng tốt hơn.
Ông Trần Đình Luân Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại Hội nghị
Cách nào để nâng chất lượng?
Ông Phan Tuấn Cự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận cho rằng, những bất cập trong sản xuất tôm giống hiện nay còn quá nhiều. Cần phải có những giải pháp để tháo gỡ ngay. Hiệp hội Tôm Bình Thuận kiến nghị Tổng cục Thủy sản cần sớm xây dựng Đề án tổng thể về quản lý ngành tôm Việt Nam, đặc biệt là quản lý giống tôm nước lợ, trong đó có những nội dung chính gồm: Sớm xây dựng và ban hành điều kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ, từ đó phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống, dần loại bỏ những cơ sở không đủ điều kiện; Xây dựng Quy trình quản lý kiểm soát có điều kiện đối với tôm bố mẹ, đặc biệt là tôm bố mẹ sản xuất trong nước; Xây dựng quy định về quản lý, nhật ký sản xuất tôm giống; Xây dựng quy trình quản lý, nhật ký sản xuất tôm giống; Thường xuyên có kế hoạch kiểm soát dịch bệnh, quy định lấy mẫu định kỳ xét nghiệm để kiểm tra dịch bệnh trong sản xuất kinh doanh tôm giống; Ban hành quy định quản lý xuất bán, công bố chất lượng đúng thực tế sản xuất; kiểm dịch chất lượng tôm giống: Trên giấy kiểm dịch phải thể hiện đầy đủ thông tin nguồn tôm bố mẹ, hoặc nguồn nauplius, nguồn giống mua tại công ty nào về dèo hoặc đang lưu hành kinh doanh; Cần có quy định thủ tục chặt chẽ hơn về giống nhập tỉnh. Sau khi hoàn thành Đề án, căn cứ để soạn thảo thông tư mới cho phù hợp với tình hình sản xuất thực tế hiện nay nhằm thay thế những thông tư cũ không còn phù hợp hoặc thiếu như hiện nay. Trong đó, cần quy định rõ hơn trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan chức năng địa phương.
Mặt khác, cũng cần sớm có kế hoạch tổ chức Hội nghị cung ứng giống tôm nước lợ tại ĐBSCL có đầy đủ các thành phần trong chuỗi ngành tôm cùng tham gia, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp cung ứng tôm giống tốt hơn cho người nuôi tôm quảng canh, dần thay thế các chợ tôm ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó, cũng cần phân rõ chức năng nhiệm vụ quản lý dịch bệnh trên tôm giống. Chi cục Thú y ở địa phương thực hiện các chức năng, nhiệm vụ phòng chống trên tôm nhưng không thực hiện kiểm dịch tôm giống. Chi cục Thủy sản ở các địa phương thực hiện quản lý chất lượng tôm giống và cấp giấy đủ điều kiện xuất bán.
Theo ông Trần Công Khôi, Vụ phó Vụ Nuôi trồng Thủy sản, hiện vẫn còn một số tồn tại trong các quy định của pháp luật, chẳng hạn như chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Trong tháng 2/2017, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Bạc Liêu kiểm tra các phương tiện giống lưu thông trên địa bàn tỉnh. Trong 6 đêm kiểm tra 65 phương tiện vận chuyển tôm giống đã phát hiện 31 xe vận chuyển của 17 cơ sở với số lượng hơn 20 triệu con tôm giống không thực hiện kiểm dịch. Theo quy định xử phạt tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 thì chỉ xử phạt đối với hành vi vận chuyển con giống chưa được kiểm dịch hoặc chở quá số lượng trên 10% thì bị phạt tiền 3 – 4 triệu đồng. Với mức phạt trên có lẽ tính răn đe còn chưa cao. Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh tay và quyết liệt để ngành sản xuất tôm giống ngày càng nâng cao chất lượng, góp phần tạo những vụ mùa bội thu cho bà con, hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD mà Chính phủ đã đặt ra.
>> Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung Bộ (khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), cung cấp khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước, số còn lại được sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL (Bạc Liêu, kiên Giang và Cà Mau) và các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Nghệ An và Hà Tĩnh). |