Mô hình quân dân y – điểm tựa cho nhân dân trên các xã đảo

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình kết hợp quân dân y trên biển đảo không chỉ trợ giúp nhân dân tại các địa bàn xã đảo, huyện đảo mà còn có ý nghĩa thiết thực với chính các cán bộ quân y.

Từ tháng 10/1990, tại Hội nghị “Kết hợp quân dân y” toàn quốc lần thứ nhất, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã thống nhất đưa hoạt động kết hợp quân dân y thành chương trình mang tên “Chương trình Y tế số 12 – kết hợp quân dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khoẻ nhân dân”. Trải qua 30 năm, chương trình đã xây dựng được mạng lưới trung tâm, trạm y tế kết hợp quân dân y ở hầu khắp các vùng biển đảo của tổ quốc và ghi nhận nhiều hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và chiến sĩ trên các đảo.

quân y xã đảo

Không ít trường hợp người dân trên các đảo, ngư dân bệnh nặng được cấp cứu kịp thời nhờ mô hình kết hợp quân dân y. (Ảnh: Bệnh viện Quân y 175).

“Tôi bị đau nhức khớp hay mệt mỏi gì là đều xuống Đồn biên phòng. Tôi đi không nổi thì cán bộ lên nhà khám, phát thuốc”, đó là những lời bà Nhan Thị Lùng – một người dân xã đảo Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh dành cho các cán bộ của Trạm y tế kết hợp quân dân y thuộc Đồn biên phòng Long Vĩnh. Với bà Lùng và người dân trên xã đảo, Trạm y tế và những thầy thuốc mang quân hàm xanh đã trở thành điểm tựa an tâm khi ốm đau, bệnh tật. Suốt nhiều năm qua, cán bộ quân y ở đây không chỉ chăm sóc y tế cho chiến sĩ của đồn biên phòng mà còn phục vụ, chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên xã đảo.

Thiếu tá Lê Văn Sơn – Trưởng trạm y tế kết hợp quân dân y đồn biên phòng Long Vĩnh, người đã gắn bó 24 năm với công tác y tế trên địa bàn chia sẻ: “Đây là xã đảo vùng sâu vùng xa nên khi về đây công tác thấy bà con khó khăn về điều kiện y tế, muốn khám bệnh phải đi xa, qua phà này kia. Cho nên bản thân tôi cũng trau dồi kinh nghiệm, học hỏi để khám và điều trị cho bà con”.

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175

Thiếu tướng, PGS.TS.BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh viện đã cấp cứu kịp thời, cứu chữa thành công rất nhiều ca bệnh nặng như đột quỵ, viêm ruột thừa cấp, tai nạn lao động cho ngư dân bằng trực thăng. (Ảnh: Tỷ Huỳnh).

Không chỉ ở xã đảo Long Vĩnh, huyện Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh mà trong 30 năm qua, mô hình trạm y tế và trung tâm y tế kết hợp quân dân y cũng được triển khai và phát huy hiệu quả tại nhiều địa bàn duyên hải, biển đảo của Tổ quốc như đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng), đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận),… và đặc biệt là tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Những địa bàn này vốn nằm xa đất liền, người dân trên đảo cũng không tránh khỏi những lúc ốm đau, bệnh tật, sinh nở…, các ngư dân trong lúc ra khơi cũng gặp sự cố về sức khỏe, tai nạn lao động trên biển. Vì thế những trạm y tế và trung tâm y tế kết hợp quân dân y đã trở thành điểm tựa cho người dân yên tâm bám biển, bám đảo, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia.

Anh Sầm Văn Lương, một người dân sống trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Là một người dân ở xã đảo cũng có lúc đau bụng, đau đầu. Khi lên thăm khám thì được các bác sĩ rất quan tâm, chăm sóc. Từ đó, tôi cũng yên tâm sinh sống trên đảo”.

Mô hình kết hợp quân dân y trên biển đảo không chỉ trợ giúp nhân dân tại các địa bàn xã đảo, huyện đảo mà còn có ý nghĩa thiết thực với chính các cán bộ quân y. GS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định sự kết hợp này là rất cần thiết về mặt y học lẫn quốc phòng. Bởi theo ông, ngành quân y bây giờ nếu chỉ phục vụ cho quân đội thôi thì sẽ bị mòn, bị mất dần kinh nghiệm về mặt chuyên môn. Bởi bệnh nhân ít, nên tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật sẽ không phát triển. Vì thế, ngành quân y phải tham gia vào công tác phục vụ nhân dân mới có thể rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ và sẵn sàng phục vụ chiến đấu.

Thực tế cho thấy từ mô hình quân dân y kết hợp, ngành quân y đã có sự phát triển vượt bậc, đội ngũ cán bộ y bác sĩ được nâng cao về mặt chuyên môn và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các Trạm y tế, Trung tâm y tế trên biển đảo cũng được nâng cấp không ngừng. Các Trạm y tế, Trung tâm y tế kết hợp quân dân y đã cứu chữa thành công rất nhiều ca bệnh nặng như đột quỵ, viêm ruột thừa cấp, tai nạn lao động cho ngư dân. Với những ca nặng thì các y bác sĩ quân y trên đảo giữ vai trò sơ cấp cứu, xử lý ban đầu để bệnh nhân cầm cự được trong khi chờ được chuyển vào đất liền điều trị, giúp bệnh nhân gia tăng cơ hội bình phục và giảm bớt các di chứng sau này. Những năm gần đây, các y bác sĩ quân y trên đảo Trường Sa còn được trang bị trực thăng cấp cứu, ứng dụng Telemedicine để kết nối hội chẩn và điều trị từ xa cùng các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong đất liền.

Thiếu tướng, PGS-TS-BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, người đã gắn bó với trung tâm y tế thị trấn Trường Sa từ những ngày đầu xây dựng tới nay cho biết: “Chúng ta có một đội ngũ luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và tình nguyện tham gia công tác y tế biển đảo. Thứ hai là chúng ta có một cơ sở vật chất, một trung tâm y tế Trường Sa hiện đại, khả năng tác chiến rất tốt, chất lượng cấp cứu rất tốt. Hay nói cách khác là với điều kiện hiện nay thì chúng ta đã “cướp” được thời gian vàng để cứu sống sinh mệnh của người bệnh.

Biển đảo xa xôi nhưng thật gần bởi đã được kết nối bằng nhiều trái tim, tấm lòng và đặc biệt là vai trò của những người lính quân y. Những người lính mang hai màu áo sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, phục vụ quân đội, phụng sự nhân dân trong công tác chăm sóc sức khỏe, góp phần cùng quân dân bám biển, bám đảo, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Minh Thắm – Tỷ Huỳnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!