(TSVN) – Đây là công trình khoa học quan trọng, đã mô tả chi tiết các đặc điểm hình thái và phân loại của 77 họ với 322 loài cá, trong đó có 312 loài cá vùng nước ngọt và lợ và 10 loài cá biển dựa trên các mẫu thực đã thu được ở các thủy vực khác nhau vùng ĐBSCL từ năm 2006 đến nay.
Trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu về thành phần và phân bố các loài cá ở ĐBSCL giữa Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Thủy sản và Quỹ môi trường thiên nhiên NAGAO (NEF) của Nhật Bản; nhóm nghiên cứu gồm TS Trần Đắc Định, TS Shibukawa Koichi, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, TS Hà Phước Hùng, KS Trần Xuân Lợi, KS Mai Văn Hiếu và Ts Utsugi Kenzo đã biên soạn và xuất bản công trình “Mô tả định loại cá ĐBSCL, Việt Nam – Fishes of the Mekong Delta, Viet Nam”. Đây là công trình khoa học quan trọng, đã mô tả chi tiết các đặc điểm hình thái và phân loại của 77 họ với 322 loài cá, trong đó có 312 loài cá vùng nước ngọt và lợ và 10 loài cá biển dựa trên các mẫu thực đã thu được ở các thủy vực khác nhau vùng ĐBSCL từ năm 2006 đến nay. Đặc biệt, có 1 loài cá mới được phát hiện và định danh là cá bụng đầu (Phallosterthus cuulong Shibukawa, Tran & Tran, 2012) và đã được công bố trên Tạp chí Zootaxa (3363) 45-51.
Bằng phương pháp nghiên cứu khoa học chuẩn mực, phương tiện quan sát, đo đạt, chụp ảnh hiện đại, tài liệu này với 174 trang, in màu đẹp, song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, chú thích chi tiết hình ảnh rõ ràng, có hệ thống định loại và mô tả đầy đủ, hệ thống từng loài, sẽ là tài liệu tham khảo, tra cứu, hướng dẫn rất hữu ích cho công tác nghiên cứu, đào tạo và quản lý đặc biệt trong lĩnh vực ngư loại học và quản lý – phát triển nguồn lợi thủy sản.
Sách do Nhà Xuất bản Đại học Cần Thơ phát hành
Diệu An