T2, 06/07/2020 09:51

Mối hiểm họa từ Xayaburi

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sông MêKông là nguồn cung cấp dinh dưỡng, nơi sinh sống và là đường đi của các loài cá nước ngọt sống ở nơi đây. Nếu được xây dựng, đập thủy điện Xayaburi sẽ chặn dòng chảy và làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên quý giá này.

Từ chặn đường cá đi

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, trên lưu vực sông MêKông hiện có khoảng 1.245 loài cá sinh sống, trong đó 120 loài có giá trị thương phẩm đang sống di cư; 67 loài lần đầu tiên được phát hiện sinh sống trên lưu vực sông MêKông và 21 loài lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Trong tổng số 1.245 loài được phân chia thành 3 nhóm: nhóm cá khổng lồ, nhóm cá có kích thuốc rất nhỏ (1cm) và nhóm thường gặp. Theo chu kỳ hàng năm vào mùa khô, mùa sinh sản có khoảng 229 loài cá di cư về phía đầu nguồn Luang Prabang ở Lào, Chiang Khong và Chiang Saen ở Thái Lan để sinh sản và lánh nạn, 70 loài trong đó là cá di cư. Nếu được xây dựng, đập Xayaburi sẽ làm thay đổi dòng chảy, làm biến đổi môi trường sống, ngăn cản vòng đời cần thiết của các loài cá trên sông MêKông, bao gồm thời gian đẻ trứng, sinh sản và trưởng thành, dẫn đến 41 loài có thể bị đẩy tới nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có loài cá tra dầu và cá da trơn khổng lồ.

Thái Lan cách đây không lâu cũng đã cho xây dựng đập Pak Mun nằm giữa hai con sông Mun và MêKông. Con đập này cũng đã cho thấy tác hại nghiêm trọng của nó, số lượng cá trước khi xây đập Pak Mun là 265 loại và chỉ sau 5 năm chỉ còn lại 96 loại hầu như không còn giá trị kinh tế, 56 loại coi như tuyệt chủng. Công trình đập sông Mun là một bài học về thất bại kinh tế điển hình gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Bài học về đập Mun vẫn còn đó như một lời cảnh báo cho Xayaburi.


Nếu được xây dựng, đập Xayaburi sẽ có tác động đến diện tích và sản lượng cá tra, basa ở hạ lưu sông MêKông

Đến cắt nguồn dinh dưỡng cá nuôi

Bốn nước trong khu vực hạ lưu sông MêKông là Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam đã có nghề nuôi cá tra truyền thống do có nguồn cá tra tự nhiên phong phú. Hiện nay, nghề nuôi cá tra và basa của Việt Nam và các nước trong khu vực đã phát triển mạnh, sản lượng có thể đạt 200 – 300 tấn/ha, nuôi trong bè có thể đạt 100 – 300kg/m3/bè. Để có được thành quả trên, nghề nuôi cá tra, basa Việt Nam phải phụ thuộc phần lớn vào hệ sinh thái của sông MêKông từ nguồn nước, con giống, thức ăn và diện tích nuôi trồng.

Đập thủy điện Xayaburi sẽ tác động lớn đến diện tích và sản lượng nuôi cá tra, basa của người dân ở hạ lưu khu vực sông MêKông. Bởi trong quá trình vận hành đập từ việc tích trữ và xả nước sẽ làm gián đoạn dòng chảy, phân mảng các hệ sinh thái bên dưới hạ nguồn, ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng đối với các loài thủy sản nói chung và cá tra, basa nói riêng. Thực tế cho thấy, mấy năm gần đây một số đập thủy điện ở thượng nguồn sông MêKông hoạt động đã gây ra sự xáo trộn chu kỳ lũ về ĐBSCL, thường về muộn hơn hoặc có thể không về làm cho nguồn cá linh và các loài khác làm thức ăn cho cá tra, basa giảm, nên giá thành trong đầu tư tăng cao, dẫn đến hiện tượng một số người nuôi “treo ao”. Ngoài ra, thiếu nguồn nước từ sông MêKông đổ về hàng năm còn gây ra tình trạng hạn hán, lắng đọng ô nhiễm môi trường trên các dòng sông ở ĐBSCL, gây dịch bệnh cho cá tra, basa khiến diện tích nuôi thả bị thu hẹp. Nếu không muốn Xayaburi hủy hoại môi trường sống và hệ sinh thái trên sông MêKông vĩnh viễn thì việc ngừng xây dựng đập là điều cần thiết.

>>  Theo Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) do Ủy ban sông Mêkông (MRC) xuất bản, nếu 11 đập thủy điện trên sông MêKông được xây dựng, sản lượng cá đánh bắt hàng năm của ngư dân các nước trong khu vực sẽ giảm từ 0,7 – 1,6 triệu tấn/năm, tương đương 26 – 42% lượng cá, trị giá khoảng 500 triệu USD. Trong đó Lào 60.000 – 120.000 tấn, Campuchia 170.000 – 340.000 tấn, Thái Lan 250.000 – 480.000 tấn và Việt Nam 240.000 – 450.000 tấn.   

Hồ Thủy – Hải Đăng

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!