Đã mấy mươi năm, không biết bao nhiêu xác tàu đã rũ, nhưng cuộc sống của họ vẫn vậy – vẫn với những căn nhà xiêu vẹo, mưa tạt, gió lùa. Sáng ra biển, chiều vào bờ là công việc đã được ngư dân tại cửa biển Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau truyền nhau qua nhiều thế hệ.
Và điều đáng buồn, thế hệ nối tiếp vẫn không thể dứt ra khỏi cái sự khốn khó của vùng biển nông để cải thiện cuộc sống.
Nằm cách UBND xã khoảng 3 km, cửa biển Hương Mai được xem là nơi khá sầm uất của xã từ hoạt động sản xuất cho đến kinh doanh. Nơi đây được xem là một điểm nhấn tạo ra nét riêng của xã biển Khánh Tiến. Như bao nơi khác, nghề khai thác biển nơi đây đã có từ rất lâu đời.
Ước mong bình dị
Ngư dân cửa biển Hương Mai chuẩn bị ngư cụ ra khơi.
Tranh thủ thời gian sóng lớn không thể ra biển, anh Bùi Minh Liệt tự mình sửa lại sạp ghe lưới tôm – tài sản quý giá nhất của gia đình đã bị hư hao sau nhiều chuyến đánh bắt.
Anh chia sẻ: “Đi riết rồi tàu bung be, gãy sạp cỡ này mà không thể đủ ăn. Tàu thì mỗi lúc một cũ, lưới cũng chẳng còn lành lặn, không biết rồi tới đây đào đâu ra tiền để sửa chữa, mua lưới mới”.
Còn ông Nguyễn Văn Minh thở dài, ngắt lời anh Liệt: “Cái thằng lo xa quá, biển sóng lớn cỡ này sao ra được, mấy ngày tới lấy gì mà sống kìa không lo”.
Tuy không phải cửa biển lớn nhưng Hương Mai cũng có trên 100 phương tiện khai thác, chủ yếu là phương tiện nhỏ, công suất dưới 20 CV, đánh bắt gần bờ, sáng đi, chiều về. Cuộc sống hằng ngày của cả gia đình họ phụ thuộc hoàn toàn vào những chuyến biển.
Anh Liệt bộc bạch: “Ở đây là vậy, chỉ cần chân vịt khô nước là trong nhà cũng hết tiền. Mà có khi chân vịt chưa khô nước nhưng trong nhà cũng hết tiền luôn. Đó là những lúc biển không có “đồ”, không chỉ trong nhà hết tiền mà còn thiếu nợ do bị lỗ chi phí”.
Với phương tiện lưới tôm như của anh Liệt, chi phí cho một ngày đánh bắt (từ 4 giờ sáng đến 2 – 3 giờ chiều) cũng phải mất ít nhất 300.000 đồng tiền dầu. Nếu biển có “đồ”, cộng thêm nhân công nhà thì mỗi ngày ngư dân như anh Liệt cũng kiếm được 300.000 – 400.000 đồng nuôi gia đình.
Nhìn những cơn sóng biển cuồn cuộn kéo vào bờ, anh Liệt lo lắng: “Sóng thế này làm sao ra biển được? Không biết bao lâu nữa cuộc sống gia đình tôi mới đỡ khổ hơn nữa!”. Đó là những câu hỏi còn đang ngổn ngang mà anh Liệt và ngư dân cửa biển Hương Mai chưa thể tìm được lời giải.
Nhìn số phương tiện công suất nhỏ, đã cũ kỹ của ngư dân nơi đây là minh chứng cho lời khẳng định của ông Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến Huỳnh Công Hiệu: “Cuộc sống của ngư dân cửa biển Hương Mai còn rất nhiều khó khăn. Sự khó khăn của họ không phải do họ không chí thú làm ăn hay không tằn tiện, mà nó xuất phát từ sự khắc nghiệt của biển cả”.
Anh Liệt chia sẻ thêm: “Bao năm bám biển chỉ mong có ngày tiến ra được vùng biển khơi. Thế nhưng, không biết khi nào làm được chuyện đó. Biển cho cái gì thì lấy lại thứ nấy, mới tích lũy được chút ít thì tàu lại hư, lưới lại rách… rồi là đâu cũng vào đấy”.
Cần sự trợ lực
Bao thế hệ gắn bó với biển nhưng rồi cuộc sống của họ cũng như từng con nước lớn ròng, vừa đầy rồi lại vơi. Sự bấp bênh ấy do xuất phát điểm của họ còn quá thấp. Đa phần ngư dân tại cửa biển Hương Mai là những hộ nghèo từ nhiều nơi đến đây sinh sống, không tư liệu sản xuất, họ chỉ biết lấy tài nguyên biển ven bờ làm nguồn sống.
Thế nhưng, nguồn sống ấy ngày một cạn kiệt, cần một sự trợ lực để làm nền tảng cho họ vươn xa hơn là niềm khao khát bao lâu nay.
“Theo nghề biển thì không ai muốn luẩn quẩn trong 1-2 hải lý gần bờ. Nhưng để chinh phục vùng biển xa hơn thì ngư dân nơi đây lực bất tòng tâm”, ông Minh bộc bạch.
Khu tái định cư Hương Mai được xây dựng trên diện tích 14 ha, quy mô 192 hộ, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 29 tỷ đồng. Đây là nơi giúp những hộ dân sống ven đê biển có nơi ở ổn định, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản vào mùa mưa bão.
Là một trong những người đầu tiên xây nhà trên khu tái định cư Hương Mai, giờ gia đình ông Lê Anh Dũng có thể sống an nhàn bằng thu nhập từ cửa hiệu tạp hoá nhỏ.
Bên ván cờ tàn cùng ông bạn già, ông Dũng chia sẻ, khi vào đây người dân không chỉ được hưởng hạ tầng như đường, điện, nước mà còn được cấp nền nhà, được hỗ trợ tiền di dời từ nơi ở cũ vào khu tái định cư. Mỗi hộ có hộ khẩu thường trú được hỗ trợ 10 triệu đồng và 3 triệu đồng cho mỗi hộ tạm trú. Từ đó mà cuộc sống có phần ổn định hơn.
Cũng như ông Dũng, gia đình anh Nguyễn Văn Ơn từ giã nghề đi ghe biển lên bờ cải tạo mảnh vườn tạp khoảng 1,5 công trước kia bỏ hoang để trồng cây ăn trái và hoa màu. Mảnh vườn hiện tại cho gia đình anh cuộc sống ổn định hơn.
Anh tâm sự: “Tuy chưa phải là cao nhưng mỗi ngày cũng kiếm được từ 70.000-100.000 đồng, cuộc sống có phần an nhàn hơn khi còn đi biển”.
Đó là những trường hợp điển hình có thể sống tốt hơn khi từ giã biển khơi. Nhưng đó là những người có điều kiện để chuyển đổi nghề, còn những trường hợp như anh Liệt thì ngoài chiếc ghe lưới tôm, gia đình anh không biết bám vào đâu để sống.
Anh Liệt khát khao: “Nếu có được một ít vốn để nâng cấp phương tiện, tiếp cận được vùng biển sâu hơn thì với kinh nghiệm và nghị lực của mình, tôi có thể tạo được cuộc sống khá giả hơn”.
Ông Hiệu cho biết, trước mắt, để giúp ngư dân cải thiện cuộc sống, khu tái định cư Hương Mai sẽ được tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục công trình còn thiếu như: trường học, trạm y tế; đồng thời phát triển một số loại hình buôn bán nhỏ giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thế nhưng, đó chưa phải là kế sinh nhai “sâu rễ bền gốc” với đa số dân gắn bó vào nghiệp biển./.