Ở huyện Bình Đại, ít ai không biết anh nông dân Hoàng Vũ, người vừa giỏi gây dựng cơ đồ vừa giàu lòng hào hiệp.
Không cam chịu nghèo
Bình Đại vốn là huyện nghèo của tỉnh Bến Tre, thu nhập chủ yếu từ làm nông manh mún. Hoàng Vũ giàu nghị lực, còn trẻ nhưng đã được giao làm phó Chánh văn phòng UBND huyện. Lúc ấy gia cảnh anh rất nghèo. “Vợ chồng cưới nhau, chỉ có ngôi nhà nát và mấy bộ quần áo. Lương công chức thấp lắm” – Anh kể.
Lo toan nhiều nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Ban đầu, ngâm giá đỗ để bán. Sáng sớm, người ta đang ngủ thì anh đã đứng trước cổng nhà họ, chờ giao hàng, để kịp về làm việc cơ quan. Buổi tối, Vũ thường mò cua bắt ốc trên đồng hoang. Một hôm anh bị bắt. Hóa ra cánh đồng hôm ấy có chủ. Người ta hô hoán Hoàng Vũ ăn trộm cá. Anh là cán bộ huyện nên người ta càng làm to chuyện. Vũ nhớ lại: “Trời tối mịt, đâu biết nơi nào có chủ, nơi nào không. Mình cứ đi bắt cá vậy thôi. Không ngờ qua ruộng cá của người ta”. Sau khi biết Vũ không phải dân đạo chích, họ thả anh ra, nhưng từ đó anh hiểu rằng mình cần phải phải thoát cảnh túng thiếu, cần phải làm giàu, để không còn phải làm những việc tình ngay lý gian như thế.
Một đầm tôm rất quy củ
Phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển khắp ĐBSCL, đem lại vô số sự thay đổi. Nông dân từ chỗ chỉ trồng lúa, đánh bắt cá tự nhiên, giờ nuôi cá, nuôi tôm đã thành nghề. Người dân Bình Đại bất ngờ khi thấy một cán bộ trẻ trong diện quy hoạch như Hoàng Vũ đột ngột xin thôi việc ở huyện để lăn vào nghề thủy sản.
Trở thành đại gia
Sau nhiều năm gắn bó với ngành thủy sản, anh cán bộ huyện năm xưa giờ đã thành đại gia, với tài sản hàng chục tỷ đồng. Hoàng Vũ thành công trước hết do cộng tác và làm việc hiệu quả cho Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, là một trong bốn đại lý thức ăn thủy sản lớn nhất Bến Tre của Uni-President Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Lâm, chuyên viên cao cấp Uni-President Việt Nam cho biết, doanh số của Hoàng Vũ khoảng 250 tỷ đồng/năm. Ngoài đại lý thức ăn cho tôm cá, Hoàng Vũ còn kinh doanh thuốc thú y thủy sản và con giống, với nguồn thu không nhỏ.
Chia sẻ kinh nghiệm, Vũ nói: “Tôi phải gắng tìm hiểu để biết nông dân cần gì, công ty cần gì; doanh nghiệp phải là cầu nối giữa nhà sản xuất và người nông dân; đại lý không chỉ là bán hàng và thu tiền”.
Người ta đổ xô mua thức ăn thủy sản của Hoàng Vũ, trước hết bởi anh có cánh đồng tôm lớn. Anh đã chứng minh sự thành công, an toàn và hiệu quả bằng chính cánh đồng tôm của mình. “Thức ăn ấy, tôm giống ấy Hoàng Vũ dùng, sao mình không dùng”. Nhiều người đến tham khảo và làm theo Hoàng Vũ.
Với Uni-President Việt Nam, Hoàng Vũ là người học trò trung thành, cần mẫn. Không kỹ thuật nào, chương trình đào tạo nào thiếu anh. Vũ thường xuyên đặt những câu hỏi hóc búa, đồng thời đề xuất nhiều nhận xét và nguyện vọng của nông dân đối với Công ty. Điển hình là chương trình triển khai cho tôm ăn bằng máy cho ăn tự động. Hoàng Vũ đã mày mò, đếm xem một kg thức ăn có bao nhiêu viên, nếu cho ăn bằng cách thủ công truyền thống thì bao nhiêu con tôm sẽ tiếp cận được thức ăn và nếu ăn bằng máy thì sao. Tự anh kết luận được, cho ăn thủ công thì tôm chỉ ăn hết 70% thức ăn ném xuống (vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm). Tại đồng tôm nuôi bằng máy cho ăn tự động của anh, tôm lớn đều và không nhiễm bệnh.
Doanh nghiệp của Hoàng Vũ đạt doanh số hàng trăm tỷ đồng/năm, cung ứng thức ăn con giống cho hàng ngàn ha tôm công nghiệp, góp phần đổi mới quê nghèo. Ngày ngày “ăn cùng tôm, ngủ cùng tôm”, anh thường nói: “Ngoài làm việc ra, tôi hầu như không biết ăn chơi giải trí là gì”.
Giàu nghĩa hiệp
Hôm ấy, có ông cụ trên bến đò thở dài: “Đời tôi chưa biết bao giờ mới có ngôi nhà kiên cố để ở. Làm nông sao khổ thế này!”. Không ngờ, người đàn ông ngồi cạnh hỏi cụ địa chỉ và nói: “Tháng sau cụ sẽ có ngôi nhà mới”. Cụ cười, không tin. Nhưng đúng một tháng sau, cụ nhận được ngôi nhà do Hoàng Vũ xây tặng. Cụ nói với mọi người: “Như một giấc mơ…”. Người đàn ông đi cùng chuyến đò kia là Hoàng Vũ.
Người dân Bến Tre, nơi đồng sâu nước trũng, đường xá khó khăn. Việc đi lên tỉnh, lên TP Hồ Chí Minh chữa bệnh trở nên xa xỉ, nhiều người không thể lên tuyến trên chữa bệnh. Hoàng Vũ thường nói: “Người nông dân mua thức ăn tôm giống của tôi là đem tiền gửi cho tôi. Khi bà con khó khăn, tôi sẽ đem tiền ấy ra giúp”. Quả vậy, nhiều người được Hoàng Vũ cấp tiền ra Thành phố chữa bệnh, bệnh càng hiểm càng được ưu tiên.
Ngày ngày, Hoàng Vũ vẫn “ăn cùng tôm, ngủ cùng tôm”
Chúng tôi đến Bình Đại, thấy nhiều người chạy xe lăn có gắn chữ Hoàng Vũ tặng. Ở quê nghèo, có cái xe lăn cả triệu đồng để đi lại là không dễ. Họ lại tìm đến Hoàng Vũ. Nghe nói, đến nay số tiền Hoàng Vũ giúp người nghèo xây nhà, chữa bệnh đã 4 tỷ đồng; trong đó có người sau này đã giàu lên, xây nhà to, nhưng nhà vẫn để tấm biển “Nhà do Hoàng Vũ tặng”.
Thời gian vừa qua, nhiều nơi bị thiệt hại nặng do tôm chết sớm không rõ nguyên nhân, nhưng ở Bình Đại tôm vẫn sống khỏe, phát triển tốt, năng suất cao. “Khi bà con nuôi trồng thành công thì thành công cũng sẽ đến với người kinh doanh thức ăn, giống và thuốc thú y như tôi” – Hoàng Vũ thường tâm niệm.
>> Thăm cơ ngơi của Hoàng Vũ ở Bến Tre, thấy đất đai, nhà cửa bây giờ khang trang, rộng rãi. Ngôi nhà tiền tỷ nổi bật nhất vùng. Trong khuôn viên có cả nơi ăn nghỉ của công nhân và một nhà kho kiên cố, rộng, chứa thức ăn thủy sản. |