(TSVN) – Cá nheo Mỹ (Ictalurus punctatus) là đối tượng thủy sản đã và đang được quan tâm ở các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh trên cá diễn biến khá phức tạp, gây nhiều khó khăn và thiệt hại lớn cho người nuôi.
Nguyên nhân: Kiểm tra đặc tính sinh lý, sinh hóa thấy rằng, Aeromonas veronii là vi khuẩn gram âm, hình que. Kiểm tra độc lực của vi khuẩn Aeromonas veronii cho thấy cá sẽ bắt đầu chết vào ngày thứ 3 và chết 100% vào ngày thứ 10 sau khi nhiễm bệnh.
Triệu chứng: Khi bị bệnh cá thường có hiện tượng xuất huyết đặc biệt là gốc vây, xương nắp mang, hậu môn. Các cơ quan nội tạng như gan, ruột, thận, lách có hiện tượng xuất huyết, tụ máu và hoại tử.
Chẩn đoán: Có thể kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau để chẩn đoán bệnh như phân lập tác nhân gây bệnh; kiểm tra đặc điểm sinh hóa, giải trình tự đoạn gen 16S-rRNA và dùng phương pháp PCR để giám định. Trong đó, phương pháp PCR có thể cho kết quả nhanh và chính xác. Để phát hiện Aeromonas veronii có thể dùng kỹ thuật duplex PCR để giám định, 2 cặp mồi được sử dụng là cặp mồi đặc hiệu gen 16S-rRNA của Aeromonas và cặp mồi đặc hiệu A. veronii (rpoB) của Aeromonas veronii. Phương pháp này ngoài chẩn đoán đúng tác nhân gây bệnh là A. veronii còn cho phép phân biệt với vi khuẩn A. hydrophila.
Triệu chứng và bệnh tích ở cá nheo Mỹ chết do A.veronii
(A, B: Xuất huyết mắt, gốc vây, hậu môn; C, D: Xuất huyết nội quan)
(Ảnh: Trương Đình Hoài và cs, 2022)
Phòng bệnh: Để phòng bệnh, người nuôi áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Tránh thả quá dày, kết hợp định kỳ khử trùng nước ao, nếu nuôi lồng định vệ sinh lồng, kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả. Bổ sung Vitamin C, dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cá nuôi. Cần để ý quan sát những biểu hiện bất thường của cá để phát hiện sớm bệnh.
Trị bệnh: Khi phát hiện cá bị bệnh cần tiến hành vớt cá chết ngay, khử trùng tiêu độc nguồn cá này để tránh lây lan. Cần tiến hành khử trùng nước ao nuôi, lồng nuôi, cho cá ăn kháng sinh Florphenicol (15 mg/kg cá), trong 5 – 7 ngày. Sau khi điều trị kháng sinh 2 ngày bổ sung chế phẩm sinh học để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi trong hệ tiêu hóa của cá và ao nuôi. Ngoài ra, cần lưu ý vi khuẩn này có thể gây bệnh cho các loài cá khác do vậy cần kiểm soát quá trình lấy nước ra vào ao và kiểm soát tránh lây lan mầm bệnh sang các ao khác và các vùng nuôi xung quanh.
Nguyên nhân: Tác nhân gây bệnh gan thận mủ trên cá nheo Mỹ là do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri thuộc họ Enterobacteriaceace. Vi khuẩn nuôi cấy từ cá bị bệnh trên môi trường nuôi cấy phần lớn đều có hình dạng là các khuẩn lạc nhỏ, không nhân, phát triển sau 48h ở môi trường TSA và phát triển nhanh hơn (24h) ở môi trường TSA có bổ sung 5% máu cừu. Các khuẩn lạc có màu trắng hơi đục, rìa bằng, hơi lồi. Kết quả nhuộm Gram cho thấy vi khuẩn hình que, thon mảnh, tròn hai đầu và bắt màu Gram âm (Trương Đình Hoài và cộng sự, 2020).
Triệu chứng cá nheo Mỹ bị bệnh gan thận mủ (A – Cá bơi lờ đờ, ngửa bụng trong lồng nuôi; B – Mang nhiều nhớt, xuất huyết trên gốc vây; C – Mang nhiều nhớt, xương nắp mang xuất huyết; D – Xuất huyết lỗ hậu môn).
(Ảnh: Trương Đình Hoài và cs, 2020)
Đặc điểm: Bệnh xuất hiện quanh năm và tập trung vào 3 tháng đầu mới thả nuôi; cao điểm bệnh xuất hiện là vào thời điểm giao mùa (tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11). Bệnh có thể xuất hiện từ 3 – 5 lần trong một vụ nuôi và có thể gây chết đến trên 50%. Bệnh lây từ cá bệnh sang cá khỏe từ vùng nuôi này sang vùng nuôi khác; trong cùng một ao, từ ao này sang ao khác; mầm bệnh tồn tại trong môi trường nước có thể gây bệnh trực tiếp cho cá khỏe qua dụng cụ chăm sóc có mang mầm bệnh (như thau, vợt, lưới…).
Triệu chứng: Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng. Cá bơi lờ đờ, giảm ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn, ít phản ứng với những tác động xung quanh. Giai đoạn tiếp theo, cá bệnh có hiện tượng da nhợt nhạt; mặc dù bên ngoài không có những biểu hiện bệnh rõ ràng nhưng bên trong nội tạng xuất hiện nhiều đốm trắng (ổ mủ) trên gan, thận và lách. Cá bị bệnh thường khó phát hiện sớm, vì các triệu chứng bên ngoài không đặc trưng, người dân chỉ phát hiện được bệnh khi các bắt đầu chết rải rác.
Giai đoạn sau xuất hiện những vết thương nhỏ trên da (phía mặt lưng), đường kính khoảng 3 – 5 mm, những vết thương này sẽ phát triển thành những khối u rỗng bên trong cơ, da bị mất sắc tố, vây đuôi tưa rách, dấu hiệu đặc trưng trên thân cá có nhiều vết khoang trắng, các tơ mang bị xoắn lại.
Chẩn đoán bệnh: Chẩn đoán lâm sàng: Quan sát các dấu hiệu bên ngoài bao gồm phù đầu, xuất huyết nặng dưới da, gốc vây, quanh miệng và hậu môn.
Chẩn đoán phòng thí nghiệm: Lấy mẫu theo hướng dẫn và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc cơ quan thú y vùng tương ứng để xét nghiệm.
Phòng bệnh: Định kỳ 15 ngày/lần trộn Vitamin C vào khẩu phần thức ăn cho cá với liều lượng 20 – 30 mg/kg cá/ngày, cho ăn liên tục 7 – 10 ngày để tăng cường sức đề kháng cho cá. Đối với lồng nuôi, thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước, treo túi vôi trong lồng để khử trùng môi trường nước, diệt tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Treo túi vôi cách mặt nước khoảng 1/3 – 1/2 độ sâu của nước trong lồng bè, liều lượng 2 – 4 kg vôi/túi/10 m3 nước, mỗi ngày giũ túi vôi 3 – 4 lần để vôi hòa tan trong môi trường nước. Định kỳ 15 ngày thay túi vôi một lần hoặc sử dụng BKC té đều tại các lồng nuôi và xung quanh khu vực nuôi với liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đối với ao nuôi, hàng ngày theo dõi chất lượng nước ao nuôi, không bón phân hữu cơ, phân vô cơ xuống ao, giữ cho nước sạch để phòng tránh dịch bệnh. Bổ sung lượng nước cần thiết đảm bảo độ sâu mực nước theo yêu cầu kỹ thuật (tối thiểu mức nước trong ao đạt trên 1,5 m). Dọn sạch cỏ, rác, thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn, dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở nơi cho ăn để khử trùng mầm bệnh cho cá. Định kỳ 15 ngày/lần hòa vôi bột té đều khắp ao nuôi với liều 2 kg/100 m3 nước.
Điều trị: Sử dụng các loại thuốc có thành phần Doxycycline với liều lượng và thời gian sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, bổ sung thêm Vitamin C với liều dùng 10 mg/kg cá/ngày để tăng cường sức đề kháng cho cá. Thuốc được trộn vào thức ăn sau đó bao lại bằng dầu hoặc chất kết dính. Xử lý môi trường nước bằng các sản phẩm như BKC, thuốc tím (KMnO4), sử dụng 3 lần liên tiếp mỗi lần cách nhau 2 ngày, với liều lượng dùng và thời gian dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Lê Loan