T2, 06/07/2020 12:07

Một số nghề khai thác thủy sản kết hợp với ánh sáng

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác thủy sản kết hợp với ánh sáng vốn là mô hình rất hiệu quả bởi vốn đầu tư thấp, dễ áp dụng, có thể đạt được sản lượng cao và rất cơ động.

Nghề lưới vây

Chuẩn bị: Nghề lưới vây kết hợp tàu cá thì ngoài tàu, vàng lưới vây, các trang bị phụ trợ khác thì còn cần phải có máy phát điện thường 10 – 15 KW, hệ thống chiếu sáng và bảng phân phối điện đủ thắp sáng khoảng 150 bóng đèn neon loại 1,2 m và 5 – 10 bóng đèn cao áp thủy ngân loại 250 – 500 W.

Kỹ thuật khai thác: Trong khai thác lưới vây kết hợp ánh sáng, để đạt được hiệu quả nhất là chọn đúng nơi thắp đèn và thời gian thắp đèn. Lựa chọn nơi thắp đèn có nhiều cá, tôm… Dòng chảy nhẹ, tàu ít lắc và trôi dạt (có thể dùng neo để cố định tàu lại). Ít chướng ngại vật dưới nền đáy (nếu khai thác ở vùng biển cạn) và không bị ảnh hưởng bởi tàu bè đi lại. Thời gian thắp đèn cũng là thời gian lôi cuốn cá đến vùng sáng, thường 3 – 6 giờ (từ lúc chập tối đến khuya). Khi thấy cá đã tập trung nhiều vào vùng chiếu sáng hoặc cá đang trong tình trạng say đèn thì có thể tiến hành bủa lưới đánh bắt.

Thả lưới: Trước khi thả lưới phải tắt tất cả hệ thống đèn chiếu sáng trên tàu, chỉ để lại đèn ở bè đèn. Tiếp đến thu neo, đồng thời nới dài dây bè đèn cách tàu với khoảng cách bằng bán kính quay trở của tàu, cá sẽ tự động tập trung lại bè đèn. Sau đó, cho tàu chạy vòng tròn với bán kính quay trở thích hợp với chiều dài sẵn có của vàng lưới vây trên tàu. Thời gian thả lưới phải nhanh và tránh tác động đến đàn cá. Sau khi thả lưới xong thì tiến hành thu lưới, bắt cá nhanh.

Công việc thu lưới và bắt cá cũng tương tự như lưới vây thông thường. Khi bắt đầu thu cá thì kéo bè đèn lại và đem lên tàu, sau đó mới thu lưới.

Hệ thống khai thác lưới vó mạn tàu kết hợp ánh sáng

Hệ thống khai thác lưới vó mạn tàu kết hợp ánh sáng

Chuẩn bị mẻ tiếp theo: Công việc khai thác mẻ tiếp theo cũng có các bước tương tự như mẻ trước. Địa điểm khai thác có thể thực hiện tại vị trí trước hoặc chuyển đến địa điểm mới, tùy thuộc vào sản lượng khai thác của mẻ trước, hoặc là tình hình sóng gió, thời tiết.

Nghề khai thác lưới vây kết hợp ánh sáng còn có thể kết hợp khai thác giữa 1 tàu mẹ và 1 – 2 tàu con. Tàu con làm nhiệm vụ chong đèn ở khu vực gần tàu mẹ, và chong đèn sau tàu mẹ khoảng 30 phút. Khi tàu mẹ khai thác của phần của mình sẽ chạy đến bủa lưới quanh tàu con. Sau khi tàu mẹ bủa lưới xong, tàu con nhanh chóng rời khỏi khu vực bao vây để tàu mẹ tiến hành thu lưới bắt cá.

 

Nghề câu mực

Chuẩn bị: Bộ phận chính của câu mực là ống câu, dây câu và đèn thắp sáng để lôi cuốn mực đến vùng sáng. Dây câu bằng cước, dài 20 – 30 m, đường kính 1 – 1,2 mm. Mỗi dây câu có thể buộc 1 – 3 lưỡi câu, cách nhau 2 – 3 m, có thể buộc kết hợp thêm với các chùm vải kim tuyến. Lưỡi câu mực thường là loại lưỡi kép, sắc, dễ móc vào đầu hoặc thân mực khi giật dây câu. Nếu câu riêng rẽ trên các thúng thường dùng nguồn sáng là đèn măng – sông hoặc từ ánh sáng điện nếu câu tập thể trên tàu thuyền lớn.

Vợt xúc mực làm bằng lưới cước, có cán dài 50 – 100 cm. Độ sâu túi vợt khoảng 100 – 150 cm, đủ để giữ không cho mực thoát trở ra miệng lưới.

Kỹ thuật câu: Lựa chọn ngư trường khai thác có nền đáy cát pha vỏ nhuyễn thể. Nơi có nhiều nguồn thức ăn cho mực. Độ sâu mực nước 10 – 25 m, độ trong 1 – 2 m, có dòng chảy nhẹ.

Thắp đèn trước khi câu ít nhất 15 phút để mực tập trung vào vùng phát sáng. Khi thấy mực tập trung khá nhiều, tiến hành thả câu. Có thể câu mực bằng mồi câu hoặc không sử dụng mồi câu. Mồi câu có thể là các loại cá chết, mực, rắn… dạng còn tươi. Móc mồi vào lưỡi câu, rồi thả xuống đến sát nền đáy. Sau đó, một tay vừa thu dây câu, một tay kia giật lên, giật xuống để thu hút sự chú ý của mực, mực sẽ bám theo mồi để ăn và bị vướng lưỡi câu. Nếu câu mực không cần mồi thì buộc các chùm vải kim tuyến gần các lưỡi câu. Tiếp đó, thả dây câu, ta vừa thu dây, vừa di động dây lên, xuống. Mực sẽ tập trung vào vải kim tuyến và bị mắc vào lưỡi câu. Nếu không có lưỡi, mực sẽ tiếp tục đeo bám dần lên tới mặt nước, khi này ta nhanh chóng dùng vợt để xúc mực.

Chú ý, khi xúc mực phải xúc từ đuôi, bởi vì khi mực phát hiện ra nguy cơ bị bắt, chúng sẽ lùi mạnh ra sau và bị lọt vào túi vợt.

Hệ thống chiếu sáng trên tàu lưới vây kết hợp ánh sáng

Hệ thống chiếu sáng trên tàu lưới vây kết hợp ánh sáng

 

Nghề lưới đăng

Chuẩn bị: Trước tiên cần lắp đặt chuồng lưới đăng, tương tự khai thác lưới đăng thông thường, chuồng lưới đăng kết hợp ánh sáng phải được đặt ở những nơi có nhiều cá qua lại, thuận lợi cho việc khai thác, bố trí các trang thiết bị và không gây cản trở cho các phương tiện đi lại khác.

Sử dụng 8 – 10 xuồng đèn, mỗi xuồng có lắp đặt các đèn khí hoặc đèn điện 1 chiều và phải có tàu làm phương tiện vận chuyển cá và là nơi ăn ở tạm thời của ngư dân.

Kỹ thuật khai thác: Trước hết, cho các xuồng đèn làm việc, thắp sáng gần xung quanh khu vực đặt chuồng lưới đăng. Sau 1 – 3 giờ, mật độ cá tập trung tương đối cao quanh xuồng đèn thì cho các xuồng đèn di chuyển chậm vào khu vực cửa chuồng. Tiếp đến, tắt tất cả đèn, chỉ để lại 1 đèn duy nhất, sau đó đưa xuồng có đèn sáng đi vào cửa chuồng, rồi đóng cửa chuồng lại, tiến hành giở tấm lưới đáy chuồng, dồn cá về một góc, rồi bắt cá.

Khai thác lưới đăng kết hợp ánh sáng bằng cách dùng máy phát điện 110V để thắp một tuyến sáng từ chuồng ra ngoài khu vực xung quanh. Đèn được thả ngầm xuống nước ở độ sâu khoảng 1,5 m. Khi cá tập trung tương đối nhiều ở quanh các đèn, thì điều khiển hệ thống chiếu sáng sao cho tắt lần lượt các đèn từ xa trước, cá sẽ gom lại đèn kế bên, gần cửa chuồng hơn. Tiếp tục làm như thế cá sẽ tự động gom về cửa chuồng. Khi cá đã đến cửa chuồng, tắt nốt đèn cửa chuồng, cá sẽ đi vào đèn đã bố trí trong chuồng. Tiếp đó đóng cửa chuồng và thu bắt cá.

 

Nghề vó

Chuẩn bị: Trên tàu khai thác lưới vó kết hợp ánh sáng thường có trang bị 1 – 2 vàng lưới vó, máy phát điện, hệ thống chiếu sáng, bảng điều khiển hệ thống điện, tời nâng hạ lưới vó… Hệ thống đèn pha có công suất 500 – 1.500 W, dùng để dò tìm, phát hiện ra khu vực có cá. Hệ thống đèn xanh có công suất 500 W, tạo thành từng cụm, được dùng để lôi cuốn cá đến vùng sáng. Hệ thống đèn đỏ để tập trung cá đến chỗ đặt lưới.

Lưới vó mạn tàu có cấu tạo dạng hình chữ nhật. Chiều dài giềng trên và giềng dưới bằng nhau. Giềng trên được lắp ráp với sào nổi bằng tre, có chiều dài 8 – 15 m, giúp giềng nổi lên trên mặt nước.

Để định hình miệng lưới, lắp 2 sào chống có chiều dài 8 – 12 m, một đầu buộc chặt vào sào nổi, một đầu gắn với thân tàu. Giềng dưới của vó mạn tàu được lắp khoảng 90 viên chì nhỏ, trọng lượng 15 g/viên và 5 – 6 viên chì lớn, trọng lượng 25 g/viên vào những chỗ có dây kéo thu giềng dưới. Ở 2 giềng hông được lắp các vòng khuyên. Dây cáp rút được luồng qua hệ thống vòng khuyên để giúp thu lưới được dễ dàng.

>> Trên thế giới, nghề khai thác thủy sản kết hợp ánh sáng phát triển rất mạnh như Nhật Bản, Nga, Na Uy, Peru…; sản lượng khai thác hàng năm ước tính chiếm 36% tổng sản lượng khai thác toàn cầu.

Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!