Một số thành tựu khoa học công nghệ nổi bật trong NTTS

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản là một xu hướng tất yếu để đảm bảo phát triển bền vững. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhờ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Dưới đây là một số thành tựu mới về khoa học công nghệ trong thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ.

Sản xuất giống

Thuần hóa và sản xuất giống các loài cá bản địa có giá trị kinh tế: Trong những năm gần đây, ở đầu nguồn sông Mê Kông việc xây đập làm thay đổi dòng chảy cùng với nạn phá rừng đã tác động mạnh, đe dọa đến sinh cư của nhiều loài cá nước ngọt. Mặt khác, việc khai thác, đánh bắt quá mức các loài cá đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ở sông, hồ ngoài tự nhiên. Trong đó có những loài cá có kích thước lớn như cá tra dầu, cá vồ cờ… có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Thế nhưng, trong 30 năm qua với những nỗ lực nghiên cứu khoa học không, hiện đã có hàng chục loài cá nước ngọt bản địa được cho sinh sản nhân tạo thành công. Trong đó có gần 20 loài cá quý hiếm có tiềm năng được sản xuất giống, nuôi thương phẩm tạo giá trị kinh tế cao. Cụ thể về nhóm cá trơn: cá tra, cá ba sa, cá hú, cá tra bần, cá sác sọc; cá trê Phú Quốc, cá trê vàng; cá chốt sọc, cá leo, cá kết…; Nhóm cá đồng: rô đồng, cá lóc, cá dày, cá chạch đồng, thát lát, lươn đồng…; Nhóm cá sông: cá chạch lấu, cá chạch lửa, cá heo; Nhóm cá chép: cá linh, he vàng, ét mọi; Cá nhập nội: hầu hết các loài. Hiện, công nghệ này đã chuyển giao và phát triển rộng rãi cho vùng ĐBSCL.

Đại học Cần Thơ là nơi đầu tiên nghiên cứu, phát triển trứng bào xác Artemia cho vùng ĐBSCL

Nâng cao chất lượng cá bố mẹ và giống các đối tượng nuôi chủ lực: Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là đối tượng mà Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện nhiều nghiên cứu trong hơn hai thập niên qua và cũng là nơi đầu tiên phát triển được công nghệ sản xuất giống nhân tạo đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành hàng cá tra ngày nay. Các nhà khoa học đã thực hiện quy trình nuôi vỗ cá tra bố mẹ cải thiện chất lượng trứng; quy trình ương trong ao lót bạt trong cùng trại nuôi nhằm giảm tỷ lệ hao hụt cá giống; chọn giống cá tra chịu mặn, tăng trưởng nhanh (cá giống phát triển tốt ở 5 ppt). Ngoài ra, còn một số thành tựu khác như: Thực hiện cải thiện chất lượng giống cá sặc rằn bằng phương pháp ghép phối chéo và chọn lọc; chọn giống cá trê vàng cho tính trạng tăng trưởng và khả năng chịu mặn…

Công nghệ nuôi

Nuôi nước ngọt: Khi biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, những yêu cầu về môi trường cao hơn, nguồn nước hạn chế thì việc áp dụng công nghệ tuần hoàn trong NTTS là xu hướng bền vững. Công nghệ này tạo điều kiện sinh trưởng của con cá tốt nhất, qua đó giúp cá lớn nhanh hơn, ăn ít, môi trường nuôi được kiểm soát tốt, không phải sử dụng kháng sinh, cá sạch hơn, ngon hơn, thịt trắng hơn… Qua đó, một số mô hình đã được nghiên cứu và cho hiệu quả như: Mô hình nuôi cá tra thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn đã đạt năng suất 40 kg/m3; mô hình nuôi cá trê tuần hoàn cho vùng đô thị và ven đô đạt năng suất 100 – 120 kg/m3 sau 4 tháng nuôi; mô hình nuôi lươn tuần hoàn cho nông hộ quy mô 30 m2, đạt năng suất 40 – 45 kg/m2; phát triển mô hình và quy trình ương lươn giống trong hệ thống tuần hoàn; mô hình nuôi cá lóc đạt năng suất 140 kg/m3.

Cá tra là đối tượng được Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ thực hiện nhiều nghiên cứu. Ảnh: ĐHCT

Nuôi mặn, lợ: Điển hình là công nghệ nuôi TTCT siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS). Các điểm mới và tiên tiến quan trọng của mô hình này lần đầu tiên được ứng dụng cho nuôi tôm thương phẩm, gồm: Hệ thống nuôi tuần hoàn kín, có hệ thống lọc sinh học gồm đa loài thủy sản, kết hợp lọc sinh học bằng giá thể chuyển động; cho tôm ăn bổ sung bí đỏ, thay thế một phần thức ăn công nghiệp. Hiện nay, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đã làm chủ được công nghệ, công nghệ đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, và sẵn sàng tổ chức các khóa tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các địa phương, các công ty và doanh nghiệp; góp phần mở rộng sản xuất, và phát triển hiện đại và bền vững nghề nuôi tôm trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, Đại học Cần Thơ cũng là nơi đầu tiên nghiên cứu, phát triển trứng bào xác Artemia cho vùng. Đối tượng Artemia không hiện diện tự nhiên ở Việt Nam nên bắt buộc phải nhập nên rất tốn kém và lệ thuộc nguồn Artemia từ nước ngoài. Trước tình hình đó, Trường Đại học Cần Thơ được sự hỗ trợ của Đại học Ghent để nghiên cứu di nhập đối tượng Artemia từ San Francisco (Mỹ) về vùng ruộng muối Vĩnh Châu (Sóc Trăng) với mục tiêu tự sản xuất được trứng bào xác Artemia phục vụ cho các trại giống thủy sản. Đến nay, quy trình nuôi đã ổn định, được nhân rộng ra nhiều địa bàn, riêng khu vực Vĩnh Châu và tỉnh Bạc Liêu, đã sản xuất ra hàng chục tấn trứng bào xác, hàng trăm tấn sinh khối mỗi năm.

Công nghệ 4.0

Nồng độ nitrite (NO2) trong nước là một trong các thông số quan trọng trong nuôi tôm, cá. Hiện đã có các cảm biến đo nitrite sử dụng tia UV cho kết quả đo đạc với độ chính xác cao, tuy nhiên, thiết bị này có chi phí cao (trên 5.000 USD/cảm biến). Do đó, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đã phát triển giải pháp giám sát nồng độ nitrite trong ao nuôi thủy sản tự động dựa trên nguyên lý so màu sử dụng thuốc thử. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn để có thể cơ động trong quá trình sử dụng. Nồng độ đo đạc: 0 ~ 5 mg/L. Độ chính xác đo đạc đáp ứng được yêu cầu của việc nuôi thủy sản. Thiết bị có thể tự động thu thập và giám sát các thông số nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, NO2, NH3, H2S. Mỗi thiết bị có thể dùng chung cho 10 ao. Dữ liệu được đưa lên internet, có thể xem mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, thiết bị cũng sẽ đưa ra cảnh báo khi các thông số vượt ngưỡng.

Ngoài ra còn một số nghiên cứu khác như máy cho ăn bằng khí động học kết hợp IoT, tự động cho ăn theo chu kỳ được cài đặt theo nhu cầu của người dùng. Có khả năng định lượng thức ăn trên mỗi lần cho ăn. Cài đặt và quản lý máy từ xa thông qua smartphone. Hay hệ thống quạt nước sử dụng năng lượng mặt trời. Tự động điều tiết năng lượng, sử dụng tối đa năng lượng mặt trời, trường hợp khi thiếu mới sử dụng thêm điện lưới. Có khả năng hoạt động độc lập hoặc nối lưới. Công suất thử nghiệm 1,5 kW…

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!