(TSVN) – Trong nghiên cứu này, 15 loại cao chiết thảo dược được đánh giá độc tính đối với tôm và khả năng kháng WSSV in vitro trên mô hình tôm thẻ chân trắng (TTCT) bằng phương pháp tiêm.
Theo Chou và cs. (1995), bệnh đốm trắng xuất hiện đầu tiên tại Đài Loan vào năm 1992, sau đó lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, bệnh do virus đốm trắng (WSSV) gây ra. Với khả năng lan truyền bệnh và gây chết tôm hàng loạt, bệnh đốm trắng đã gây thiệt hại lớn và gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền công nghiệp nuôi tôm của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Giải pháp phổ biến để phòng và trị bệnh vi khuẩn và virus trên tôm là sử dụng kháng sinh hay hóa chất. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh và hóa chất bộc lộ nhiều bất cập như hiện tượng kháng thuốc và tồn lưu trong tôm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều trị bệnh khi dịch bùng phát và phần nào hạn chế tiềm năng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong thời gian gần đây, việc sử dụng thảo dược trong phòng và trị bệnh thủy sản đang ngày càng trở nên phổ biến. Hiện nay, đã có một số nghiên cứu trong và ngoài nước cũng cho thấy có một số loại thảo dược có hiệu quả kháng với virus gây bệnh đốm trắng trên tôm. Citarasu và cs. (2006) sử dụng hỗn hợp dịch ly trích từ cỏ đuôi gà (C. dactylon), bầu nâu (Aegle marmelos), dây thần thông (Tinospora cordifolia), Picrorhiza kurooa và cỏ mực (Eclipta alba) trộn vào thức ăn với liều lượng 800 mg/kg và cho ăn trong 15 ngày, sau đó công độc lại với WSSV cho thấy khả năng bảo vệ lên đến 74%. Cũng trong năm 2006, Balasubramania dùng rong mơ như chất đối kháng với WSSV ở liều lượng 3 mg/tôm, cho tỷ lệ sống của tôm lên tới 60%…
Bổ sung cỏ mực 100 mg/kg thức ăn giúp hạn chế bệnh đốm trắng trên tôm. Ảnh: ST
Trong nghiên cứu này, có 15 loại thảo dược được đưa vào, bao gồm: đưng (Rhizophora mucronate), dà vôi (Ceriops tagal), ổi (Psidium guajava), cỏ mực (Eclipta prostrata), diệp hạ châu (Phyllanthus urinaria), trầu không (Piper betle L), mắm trắng (Avicennia marina), cóc trắng (Lumnitzera racemosa), đước (Rhizophora apiculata), cỏ đuôi gà (Cyanodon dactylon), bạch chỉ (Angelica dahurica), khổ qua (Monordica charanita), ô rô hoa tím (Acanthus ilicifolius), xuyên tâm liên (Andrographis paniculata), riềng (Alpinia officinarum). Cao chiết được tạo ra theo phương pháp chiết ngâm của Vongsak và cs. (2013) và được bảo quản ở 40C.
TTCT (Litopenaeus vannamei) 15 ngày tuổi được chuyển từ Vũng Tàu (Việt Nam) về phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Tôm nuôi thí nghiệm được kiểm tra mầm bệnh của một số bệnh phổ biến trên tôm như bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) và bệnh Taura (TSV) trước khi thả nuôi trong hệ thống lọc tuần hoàn, với mật độ thả là 1.500 con/m3. Tôm được cho ăn 4 lần/ngày với các loại thức ăn phù hợp theo từng độ tuổi. Các chỉ tiêu môi trường được theo dõi nhằm đảm bảo luôn nằm trong khoảng tiêu chuẩn cho phép như pH 7,8 – 8; độ mặn 10 – 20‰; độ kiềm 50 – 120 mg/L ; NO2– ~ 5 mg/L. Khi tôm đạt trọng lượng từ 1 đến 1,5 g sẽ được sử dụng cho thử nghiệm (Vu Linh và cs., 2018).
Cao thảo dược được đánh giá hoạt tính in vitro thông qua đánh giá tác động lên virus đốm trắng ở bên trong cơ thể tôm dựa theo mô hình đánh giá hoạt tính in vitro kháng virus WSSV của dịch chiết Cỏ đuôi gà của nhóm nghiên cứu Balasubramanian và cs. (2008). Vật chủ tôm lúc này được xem là công cụ để theo dõi tác động của cao thảo dược lên virus đốm trắng. Do đó, liều gây chết trung bình LD50 của virus đốm trắng trên tôm được đánh giá bằng phương pháp tiêm để từ đó xác định được liều lượng virus phù hợp cho các thử nghiệm liên quan đến cảm nhiễm virus đốm trắng. Virus đốm trắng ở liều LD50 được trộn chung với cao thảo dược ở các nồng độ khác nhau và ủ trong 3 giờ ở 290C, sau đó được tiêm vào tôm nhằm khảo sát in vitro tác động của cao thảo dược lên virus đốm trắng (Balasubramanian và cs., 2008).
Thí nghiệm được bố trí gồm 5 nghiệm thức bao gồm: đối chứng âm – tôm được tiêm với PBS, đối chứng dương – tôm được tiêm với dịch virus đốm trắng liều gây chết LD50, ba nghiệm thức còn lại – tôm được tiêm với dịch virus đốm trắng (LD50) trộn với cao thảo dược ở 3 nồng độ 0,25; 0,025 và 0,0025 mg/mL và ủ ở 290C trong 3 giờ. Sau đó, 50 µL dịch sau phối trộn được tiêm vào đốt bụng thứ 2 của tôm, mỗi nghiệm thức gồm 5 con tôm và được lặp lại 3 lần. Tôm được thả nuôi từng con trong hũ nhựa 1L và theo dõi ở 280C trong vòng 7 ngày. Tỷ lệ chết của tôm được ghi nhận hàng ngày.
Kết quả ghi nhận 5 loại cao có độc tính cao (đưng, dà vôi, ổi, cỏ mực, diệp hạ châu), 4 loại độc tính trung bình (trầu không, mấm trắng, cóc trắng, đước) và 6 loại có độc tính thấp (cỏ đuôi gà, bạch chỉ, khổ qua, ô rô hoa tím, xuyên tâm liên, riềng). Hoạt tính kháng WSSV in vitro của 15 cao chiết này được đánh giá trên TTCT ở các nồng độ thảo dược an toàn cho tôm (0,25; 0,025; 0,0025 mg/mL). Kết quả cho thấy, trong 15 loại cao chiết khảo sát, có 8 loại cao (đưng, dà vôi, ổi, mắm trắng, cỏ mực, cóc trắng, diệp hạ châu, đước) có khả năng kháng mạnh với virus WSSV ở nồng độ 0,0025 mg/mL trên mô hình TTCT, trong khi 7 loại cao còn lại không kháng hoặc kháng yếu với virus WSSV.
Hoạt tính in vivo kháng V. parahaemoliticus pVPA3-1 của 6 cao thảo dược được đánh giá bằng phương pháp cho tôm ăn thức ăn có trộn thảo dược với liều cho ăn 3.000 mg/kg, kết quả thu được, cao bạch chỉ cho kết quả tốt nhất với hiệu quả bảo vệ 52%. Trong khi đó, hoạt tính in vivo kháng WSSV của 8 cao thảo dược được đánh giá bằng phương pháp cho tôm ăn thức ăn có trộn thảo dược. Kết quả ghi nhận, cỏ mực ở liều cho ăn 100 mg/kg cho kết quả tốt nhất với hiệu quả bảo vệ 47%. Việc phối trộn thảo dược để phòng ngừa đồng thời V. parahaemoliticus pVPA3-1 và WSSV chưa cho thấy có hiệu quả kháng bệnh trên tôm.
Diệu Châu