Mưa lũ đã làm 17 người chết, 13 người mất tích ở miền Trung và Tây Nguyên l Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, các địa phương ở miền Trung đang ngập nặng nề lại tiếp tục mưa lớn.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 18 giờ ngày 11/10, mưa lũ đã làm chết 17 người, 13 người mất tích. Thiệt hại nặng nề về người và của tập trung ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam.
Bão số 6 vừa tan thì chiều 11/10, trên vùng Đông Bắc biển Đông xuất hiện một áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển hướng về vịnh Bắc Bộ trong ngày 13 đến 14/10. Các địa phương như Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục có mưa rất to.
Trong ngày 11/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, ảnh hưởng đến vùng biển các tỉnh, thành miền Trung. Mưa lũ đã gây ngập lụt hầu hết các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Tại huyện Hải Lăng – vùng trũng của tỉnh Quảng Trị vẫn còn trên 17.000 ngôi nhà đang bị ngập. Toàn bộ hệ thống đê bao chìm trong nước, các hồ chứa ở vùng gò đồi đã đầy nước và nhiều nơi qua tràn.
Toàn tỉnh Quảng Trị có 39.741 hộ với 122.364 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, 6.934 hộ với 20.353 người đã sơ tán đến các khu vực an toàn; 6 người chết và 6 người mất tích, trong đó có 2 người tử vong do bị nạn trên biển.
Nhiều nơi ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế bị ngập nặng Ảnh: Quang Nhật
Tại các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Phú Ninh, TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), nhiều nơi chìm trong biển nước. Sáng 11/10, ở khu vực thôn Đàn Hạ (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh), nước ngập sâu hơn 1 m, có nơi gần 2 m, nhiều nơi nước chảy khá xiết nguy hiểm. Phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam đã đưa canô di chuyển khắp các địa bàn bị ngập để tìm kiếm, đưa người ở vùng nguy hiểm đi sơ tán.
Đáng chú ý, trưa 11/10, tại xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) xảy ra lũ ống bất thường cuốn đi nhiều tài sản của người dân, khiến nhiều người lầm tưởng vỡ đập. Theo ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, lũ ống là hiện tượng rất bất thường ở xã Duy Sơn, từ trước đến nay chưa từng xảy ra.
Nhiều nhà dân ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng bị ngập sâu nhiều ngày Ảnh: Bích Vân
Mưa lũ trong những ngày qua đã khiến 6 người ở Quảng Nam chết và mất tích. Lực lượng chức năng đã tìm được vợ chồng anh L.T.Q (SN 1994) – chị L.T.H.S (SN 1997; ngụ thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn). Trước đó, chiều 10/10, vợ chồng anh Q. – chị S. đi xe máy trở về nhà sau khi ăn cưới. Khi đi qua đoạn gần sông Quảng Huế (xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc), do lo lắng vì con nhỏ hơn 1 tuổi ở nhà, vợ chồng anh Q. đã gửi xe, lội bộ về nhà và bị nước cuốn mất tích sau đó. Cùng ngày, tại TP Tam Kỳ, ông Huỳnh Tấn L. (SN 1959, quê TP Đà Nẵng) bị lật ghe tử vong. Còn tại huyện Đại Lộc có 1 người đàn ông bị điện giật chết trong lúc dọn đồ chạy lũ.
Sau khi lũ có dấu hiệu ngưng thì từ trưa 11/10, khu vực TP Huế và các vùng hạ du sông Bồ, sông Hương của tỉnh Thừa Thiên – Huế dâng cao trở lại. Hơn 50% tuyến đường của 27 phường ở TP Huế đã bị ngập.
Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 53.385 nhà bị ngập lụt từ 0,5 – 1,2 m, một số nơi cao hơn. Trong đó các nơi bị nặng là huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền. Chính quyền địa phương đã tiến hành sơ tán 6.700 hộ với 19.550 nhân khẩu đến nơi an toàn. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền.
Đáng chú ý, Thừa Thiên – Huế đã phát đi cảnh báo lũ sẽ đặc biệt lớn trên các sông trong tỉnh.
Tại Quảng Ngãi, hiện mực nước trên sông Vệ và sông Phước Giang lên rất cao gây ngập lụt, cô lập nhiều nơi ở các xã Hành Dũng, Hành Phước, Hành Tịnh, Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành). Trong đó, nhiều nơi bị ngập sâu hơn 1 m. Tại sông Vệ, mực nước lên rất cao đã gây ngập, cô lập 200 hộ dân 2 thôn ở xã Hành Dũng.
Tại Đà Nẵng, hơn 4.500 hộ bị ngập. Các quận, huyện trên địa bàn đã sơ tán 882 hộ với 2.953 người. Huyện Hòa Vang có 10/11 xã bị ngập trong lũ với 67 thôn gồm 4.597 hộ dân. Ở khu vực đô thị của TP Đà Nẵng cũng xảy ra ngập úng cục bộ.
Dù mưa lớn song các thủy điện ở miền Trung, trong đó nhiều nhất ở tỉnh Quảng Nam, vẫn xả lũ vào tối 11/10.
Tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, mưa lũ đã làm ngập hơn 2.500 ngôi nhà, trong đó có 600 nhà ngập trên 1 m. Nước trên sông Vu Gia xuống chậm nhưng trên thượng nguồn, nhiều thủy điện đang xả lũ nên có thể nước sẽ lên trở lại nếu tiếp tục mưa lớn. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết mực nước lũ tại Hội An trong đêm có thể lên mức 2,4 m, trên báo động III 0,4 m – khi thủy điện phía thượng nguồn xả lũ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trong 1 – 2 ngày tới, tỉnh này tiếp tục có mưa lớn. Lượng mưa từ ngày 11 đến 13/10 phổ biến từ 250 – 450 mm, có nơi trên 450 mm. Từ 19 giờ ngày 11/10, thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu xả lũ điều tiết nước với lưu lượng từ 200 – 2.000 m3/giây. Trước đó, các thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 cũng thông báo xả lũ. Lưu lượng nước từ các thủy điện trên xả về sông Vu Gia vào thời điểm 17 giờ ngày 11-10 lên đến trên 5.000 m3/giây.
Trực thăng cứu hộ thuyền viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01 ở tỉnh Quảng Trị Ảnh: Đức Nghĩa
Trước đó, đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn – nêu tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 và mưa lớn (do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức) diễn ra cùng ngày, cho rằng dù mưa lớn nhưng hiện các hồ chứa, hồ thủy điện ở khu vực miền Trung vẫn còn dung tích để cắt lũ. Tuy nhiên, việc điều tiết xả lũ vừa qua gây ngập lụt, nhiều nơi bị ảnh hưởng là do xả lũ. Do đó, ông Hùng đề nghị phải xả lũ theo đúng quy trình và có thông báo để an toàn, báo động cho người dân biết.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết bộ cùng các tỉnh cố gắng điều hành các hồ để vừa bảo đảm không ngập lụt ở hạ du vừa bảo đảm vận hành đúng theo mùa lũ. “Nhận định thủy điện xả lũ gây ngập lụt là chưa toàn diện, không đúng” – đại diện Bộ Công Thương khẳng định, đồng thời cho rằng các hồ thủy điện xả lũ căn cứ vào lượng mưa lũ về và vận hành theo đúng thời gian mùa lũ để làm sao bảo đảm an toàn. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác vận hành liên hồ chứa tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đặc biệt chú ý điều tiết, cắt lũ phải điều hành rất “nghệ thuật”. Thảm họa hay không là nằm ở chỗ công tác điều hành, vận hành ở các trục hồ…
Thủ tướng khen việc cứu tàu Vietship 01Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện khen ngợi các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên bị mất tích, mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. Công điện nêu rõ trong những ngày vừa qua, do sóng to, gió lớn, một số thuyền viên bị mất tích và mắc kẹt trên tàu Vietship 01 tại vùng biển Cửa Việt. Trong điều kiện sóng to, gió lớn, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn nhưng các lực lượng và nhân dân đã không quản ngại nguy hiểm, tích cực, chủ động, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, triển khai kịp thời các phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đến sáng 11/10, lực lượng đặc công nước và tổ bay trực thăng của Bộ Quốc phòng đã cứu hộ thành công toàn bộ các thuyền viên bị kẹt trên tàu Vietship 01, đưa về bờ an toàn. Hiện sức khỏe các thuyền viên đã ổn định. Đ.Nghĩa |