Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học môi trường đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu môi trường số ra ngày 27/11 cho thấy mực nước biển trên toàn thế giới đã tăng nhanh hơn so với số liệu dự báo khí hậu mới nhất của Liên hợp quốc hồi năm 2007 tới 60%.
Số liệu mới cho thấy, hiện mỗi năm mực nước biển tăng trung bình là 3,2mm. Trong khi đó, số liệu mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) trong năm 2007 dự đoán mực nước biển chỉ tăng 2mm/năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PA)
Các nghiên cứu mới đây đều có cùng dự báo rằng vào cuối thể kỷ này mực nước biển trên thế giới có thể dâng cao khoảng 1m.
Nếu điều này xảy ra, thì các quốc gia thuộc những khu vực đất thấp với độ cao khoảng 1m so với mực nước biển như Bangladesh, sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đất canh tác và hàng trăm triệu người không nhà của vì biến đổi khí hậu.
Theo đó, các cuộc chiến tranh về tài nguyên có thể xảy ra kéo theo loạt những mâu thuẫn và bất ổn khó lường khác. Ngoài ra, các thành phố lớn ven biển như New York (Mỹ) sẽ phải đối mặt với các thảm họa tự nhiên tương tự như bão Sandy chẳng hạn.
IPCC cũng từng dự báo mức nước biển tới năm 2100 sẽ tăng lên 59cm, tuy nhiên số liệu này cũng được coi là thấp hơn nhiều so với các nghiên cứu được tiến hành gần đây.
Các chuyên gia cho rằng có sự khác biệt giữa các dự đoán năm 2007 và hiện nay là vì nghiên cứu trước đó chưa tính đến yếu tố nhiệt độ tăng cao khiến các khối băng tan tạo ra một lượng nước lớn.