(TSVN) – Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị, địa phương cho Đề án mở rộng, thành lập mới các Khu Bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học khá cao, xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật biển đã được phát hiện. Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững ngành kinh tế biển Việt Nam.
Hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo nên tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển…
Tính đến tháng 6/2021, tổng diện tích các khu bảo tồn biển được bảo tồn và quản lý là 174.748,85 ha, chiếm khoảng 0,175% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam. Tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu 0,24% được đề ra tại Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020…
Khu vực Công viên san hô với dịch vụ đi bộ dưới đáy biển tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTX
Cũng theo báo cáo tại Hội thảo, tổng diện tích rừng ngập mặn hiện nay đạt 199.574,2 ha, chiếm 0,6% diện tích trên đất liền của Việt Nam; diện tích cỏ biển đạt khoảng 18.130 ha, diện tích rạn san hô đạt khoảng 13.355 ha. Thế nhưng, các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người. Cùng với đó, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để; nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đã và đang làm suy giảm hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của người dân trong và ngoài các khu bảo tồn biển…
Theo Nghị quyết số 36-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000”.
Vì vậy, việc xây dựng Đề án mở rộng, thành lập mới các Khu Bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển là rất cần thiết, nhằm bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Đề án này sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn. Đến năm 2025, mở rộng diện tích, phân khu chức năng cho 11 Khu Bảo tồn biển đã thành lập và đang hoạt động; thành lập mới và đưa vào hoạt động 5 khu bảo tồn biển, để đảm bảo tổng diện tích các khu bảo tồn biển đạt khoảng 0,25% diện tích vùng biển Việt Nam; Danh sách 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được công bố để đảm bảo tổng diện tích khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn đạt khoảng 2,5% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam; Xây dựng và ban hành Hướng dẫn thành lập các khu vực bảo tồn có hiệu quả khác ở biển (OECM); Rà soát điều chỉnh mở rộng diện tích, thành lập mới các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển để đảm bảo tổng diện tích các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển đạt khoảng 0,05% diện tích các vùng biển Việt Nam.
Cùng đó, thiết lập vùng bảo vệ và trồng phục hồi san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái, tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh ở vùng biển Việt Nam; đưa tổng diện tích khu vực biển được phục hồi đạt khoảng 0,2% diện tích các vùng biển Việt Nam.
Đến năm 2030, thành lập mới và đưa vào hoạt động 13 khu bảo tồn biển, để đảm bảo tổng diện tích các khu bảo tồn biển đạt khoảng 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam; Quản lý hiệu quả 122 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để đảm bảo tổng diện tích khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn đạt khoảng 2,5% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam; Thành lập và đưa vào hoạt động các khu vực bảo tồn có hiệu quả khác ở biển (OECMs) để đảm bảo tổng diện tích các các khu vực bảo tồn có hiệu quả khác ở biển đạt khoảng 0,5% diện tích các vùng biển Việt Nam; Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển để đảm bảo tổng diện tích các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển đạt khoảng 1,5% diện tích các vùng biển Việt Nam; Đồng thời, thiết lập vùng bảo vệ và trồng phục hồi san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái, tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh ở vùng biển Việt Nam; đưa tổng diện tích khu vực biển được phục hồi đạt khoảng 1% diện tích các vùng biển Việt Nam.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao và chung nhận định đề án đề cập đầy đủ và chi tiết các vấn đề liên quan đến bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nên đưa thêm vào những căn cứ pháp lý, những ủng hộ cam kết của Việt Nam với các Công ước của quốc tế… Thêm nữa, theo đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản, dự án nên đưa ra chương trình giám sát định kỳ, đánh giá hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam từ cấp độ Trung ương, đồng thời, vạch ra chi tiết khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cơ chế vận hành và việc đánh giá ra sao… Điều này sẽ giúp thực hiện các chương trình thuận lợi và dễ dàng hơn.
>> Đề án mở rộng, thành lập mới các Khu Bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030 đặt mục tiêu quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 3% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030 diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam, góp phần phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Phan Thảo