T2, 06/07/2020 10:09

Mừng – lo ngành tôm Honduras

Chưa có đánh giá về bài viết

Honduras là nhà sản xuất và xuất khẩu tôm lớn thứ hai ở Mỹ Latinh, sau Ecuador. Nghề nuôi tôm đóng góp nhiều cho nền kinh tế Honduras nhưng cũng làm nảy sinh một số vấn đề về môi trường, xã hội.

Không ngừng tăng trưởng

Nghề nuôi tôm hình thành ở Honduras đầu những năm 1970 và thực sự được mở rộng trong 2 thập kỷ qua để trở thành ngành công nghiệp chính của nước này. Diện tích và sản lượng tôm của Honduras thời gian qua không ngừng tăng trưởng.

 

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy sự phát triển quy mô nghề nuôi tôm tại Vịnh Fonseca trong các năm 1985 (trái), 1999 (giữa) và 2011 (phải). Các ao nuôi tôm chủ yếu có hình chữ nhật – Ảnh: Dailymail

Alberto Zelaya – thành viên Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản Quốc gia, dẫn số liệu từ Ngân hàng Trung ương Honduras cho thấy, xuất khẩu tôm nuôi đã mang về cho Honduras 152 triệu USD trong năm 2004, tạo việc làm cho 24.750 lao động. Đồng thời, diện tích nuôi tôm tăng nhanh, từ 1.450 ha năm 1986 lên đến 10.500 ha năm 2005.

6 tháng đầu năm 2012, Honduras xuất khẩu 10,9 triệu pound tôm, trị giá 34,2 triệu USD, với đơn giá xuất khẩu 3,1 USD/pound. Dự kiến sản lượng tôm quý 4/2012 của nước này sẽ tăng do thời tiết thuận lợi. Theo đó, năm 2012, sản lượng tôm trong nước của Honduras dự kiến đạt 60 – 70 triệu pound, sản xuất tôm tại 239 trại nuôi trên diện tích 17.625 ha, trong đó khối lượng xuất khẩu đạt khoảng 50 – 55 triệu pound, đạt doanh thu cao kỷ lục là 175 triệu USD, cao hơn so với 160,9 triệu USD của năm 2011. Các thị trường xuất khẩu chính của tôm Honduras là Mỹ, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Đài Loan.

 

Nảy sinh nhiều bất cập

Những năm gần đây, ngành tôm Honduras bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dịch bệnh, lũ lụt và khủng hoảng kinh tế, đặc biệt ở những nhà nhập khẩu chính như Mỹ và EU. Đồng thời, chính sự phát triển quá nhanh đã khiến ngành tôm nước này đứng trước nhiều thách thức về môi trường và xã hội.

Honduras là nhà sản xuất và xuất khẩu tôm lớn thứ hai ở Mỹ Latinh

Để thiết lập các trang trại nuôi tôm, người nuôi đã phá hủy rừng ngập mặn và biến chúng thành các trại hay ao nuôi. Các trang trại nuôi tôm Honduras được hưởng lợi lớn từ rừng ngập mặn, nhưng chính họ lại gia tăng việc phá rừng ngập mặn – rừng phòng hộ ven biển, ảnh hưởng đến 70% những loài cá và động vật có vỏ có giá trị thương mại cao. Một trong những điểm nổi bật từ các bức ảnh chụp ngoài không gian của Mỹ Latinh chính là các trang trại nuôi tôm ở Ecuador và Honduras đã tàn phá rừng ngập mặn nặng nề như thế nào. Tại Ecuador, trọng tâm là Vịnh Guayaquil, còn ở Honduras, vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là Vịnh Fonseca, bờ biển Thái Bình Dương, vùng tiếp giáp Nicaragua và El Salvador.

Tỷ lệ % của sản lượng tôm nuôi thế giới ở nhiều quốc gia khác nhau – (Nguồn: World Shrimp Farming 1995, 1996, 1997)

Phá hủy rừng ngập mặn làm giảm chất lượng nước, giảm môi trường sống cho cá, tăng nguy cơ lũ lụt vùng đất liền và xâm lấn cộng đồng ven biển. Các ao nuôi tôm có thể làm ô nhiễm môi trường xung quanh với quá nhiều chất dinh dưỡng (từ bột cá làm thức ăn cho tôm), chất thải và dư lượng kháng sinh…

Saul Montufar – Phát ngôn viên Ủy ban phi chính phủ cho quốc phòng và phát triển hệ động thực vật của Vịnh Fonseca – cho biết: “Việc mở rộng các trang trại nuôi tôm đã tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái và xã hội ở Honduras. Về khía cạnh xã hội, đã có sự trục xuất những gia đình đánh bắt cá ra khỏi khu vực nuôi tôm, khiến họ mất quyền tiếp cận vị trí đánh bắt truyền thống và chính điều này làm suy giảm sự đánh bắt”.   

>> Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: Các trang trại và ao nuôi tôm mọc lên như nấm, gây ra các vấn đề lớn đối với môi trường. nhiều Rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển và trại ươm cá tự nhiên đã được giải tỏa để làm đường đi cho các trang trại nuôi tôm.

Hải Băng

Nasa, Tierramerica

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!