Bất kể ngày hay đêm, hễ con nước lên là trên những đoạn kênh rạch nước đen ngòm, rác nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối,…lại thấp thoáng những bóng người lặn ngụp để vớt trùn chỉ (hay còn gọi là giun nước). Vì mưu sinh, nên cả năm họ phải “bán mặt cho nước, bán lưng cho trời” trên những đoạn sông, rạch như thế.
40 năm đãi trùn chỉ
Khi con nước lên, vợ chồng ông Ngô Văn Một (ngụ phường 4, quận 8, TP.HCM) lại xuôi ghe đến những khu vực quen thuộc trên sông Sài Gòn đãi trùn chỉ về bán cho những tiệm nuôi cá cảnh.
Bộ đồ nghề mưu sinh của vợ chồng ông Một gồm một chiếc vợt làm bằng lưới dày khít và một cái thau lớn. Giữa trời nắng như đổ lửa của Sài Gòn, ông Một chèo chiếc ghe nhỏ luồn lách ra khỏi dòng kênh rồi xuôi về phía quận 2, địa điểm săn trùn quen thuộc của ông Một.
Bì bỡm trong đám sình dưới vạt lục bình, những người “săn” trùn chỉ nhẹ nhàng vớt từng lớp bùn vào vợt rồi đãi
Ông Một cho biết bữa nay người ta đặt 50 lon nhưng phải chờ con nước lên. Chắc phải tới chiều tối mới có đủ để giao. Trước đây nước còn sạch, lặn ngụp không ngại, nhưng giờ những dòng kênh bẩn, nước đen ngòm không thể lặn được nữa nên bến sông dưới chân cầu Sài Gòn là chỗ lý tưởng vì nước ở đó còn sạch sẽ. Vừa nói, ông Một vừa lấy tay chèo khơi nhẹ xuống lớp bùn rồi nhảy xuống nước. Khéo léo dùng chiếc vợt đẩy nhẹ lớp bùn non rồi nâng lên mặt nước đãi cho sạch lớp bùn. Khi lớp bùn trôi đi, từng cục trùn chỉ nhỏ li ti ngọ nguậy vo tròn vào nhau, lúc này ông Một mới cho trùn vào thau.
Ông Một cho biết đã mưu sinh bằng nghề vớt trùn từ trước năm 1975, vì nghèo khó, không nghề nghiệp, không vốn liếng nên không biết làm gì ngoài việc dựa vào trùn làm kế sinh nhai.
Xuôi dòng và rẽ vào sông Vàm Thuật (giữa quận Gò Vấp và quận 12) cũng là địa điểm được nhiều người dân chọn làm nơi “săn” trùn chỉ. Dọc bờ sông phía quận 12 khi con nước lên cũng có chục người lặn ngụp mò trùn chỉ. Những người đãi trùn chỉ ở đây cũng thuộc hàng có thâm niên trong nghề.
Bì bỡm trong đám sình dưới vạt lục bình, ông Tứ nhẹ nhàng vớt từng lớp bùn vào vợt rồi đãi. Ông Tứ cho biết năm nay đã ngoài 50 tuổi và đã có gẩn 30 năm lặn ngụp với nghề.
Chìm nổi cùng con nước
Vớt trùn chỉ cực nhọc là vậy, nhưng thu nhập cũng rất bấp bênh. Vì còn phải lệ thuộc vào con nước. Mặc khác, trong thời điểm khó khăn, cá kiểng bán ế ẩm, mấy tiệm bán cá chỉ tiêu thụ mỗi ngày khoảng chục lon trùn chỉ.
Vì mưu sinh, nên cả năm họ phải bán mặt cho nước, bán lưng cho trời trên những đoạn sông, rạch đen ngòm
Anh Ngô Văn Một cho biết, theo con nước thì có khi phải đi đãi trùn đêm. Ban đêm tuy lạnh, nhưng được nhiều trùn chỉ hơn. Tuy nhiên, Những chuyến đi đãi trùn chỉ ban đêm luôn tiềm ẩn nguy hiểm từ bọn trộm cắp trên sông nên mỗi chuyến đi đêm đều phải có 2 người để hỗ trợ cho nhau.
Còn ông Tứ thì đã ngán ngẫm với những cảnh đãi trùn đêm vì “mình yếu rồi nên không dám đi vớt trùn chỉ ban đêm”, ông Tứ chia sẻ.
Mỗi lon trùn chỉ “săn được”, bán được 20.000 đồng. Nhưng để có được một lon trùn chỉ cũng không phải đơn giản. Ngoài việc lặn ngụp đãi dưới dòng nước đen, trùn vớt được đem về phải trải ra tấm bạt nhựa. Khoảng hơn 1 giờ sau thì trùn chỉ tự động ngoi lên, kết thành từng mảng nổi trên bề mặt. Lấy tảng trùn này vào ngâm trong nước để cho thật sạch bùn đến khi chỉ còn một màu đỏ của trùn chỉ mới có thể bán cho những người bán thức ăn cá kiểng. Công việc phải làm nhẹ nhàng, tỉ mỉ vì trùn chỉ rất dễ chết.
Trùn chỉ sau khi được làm sạch bùn
Mỗi ngày làm cật lực từ sáng cho đến chiều, nếu thuận lợi, cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng. Nhưng nghề này phải đánh đổi sức khỏe ghê gớm. Viêm phổi và thường xuyên đau nhức khớp xương đối với những người mưu sinh bằng nghề vớt trùn chỉ là chuyện thường, chưa kể những tai nạn như mảnh chai, sắt rỉ cắt vào chân nhiễm trùng.
Ông Tứ cho biết, có khi trúng mánh được các trang trại nuôi cá đặt hàng 50 – 100 lon thì cũng kiếm được bộn tiền, nhưng có khi 1 – 2 tuần mới có đợt đặt hàng một lần.
Cuộc sống bấp bênh, tương lai mịt mù nên nhiều người phải bỏ nghề này. Một phần cũng vì ngán ngẩm dòng nước ngày càng bẩn. Bản thân ông Một, ông Tứ cũng bị ngứa ngáy sau mỗi đợt lặn ngụp săn trùn, nhưng riết rồi cũng quen, nhiều mảnh đời vẫn nương tựa vào từng con nước.
>> Trùn chỉ có thân rất mảnh, dài khoảng vài centimets, đường kính thân hình ít khi hơn 1 milimet, mang màu hồng thường được thấy từng cụm rất dầy, giun nước thích sống ở vùng nước dơ hay đầm lầy, ao hồ nước đọng. Trùn chỉ là món ăn “khoái khẩu” của cá cảnh hay cá giống như: Cá chình, cá thác lác cờm,… hay làm mồi câu cá. |