THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Mỹ: Cấm nhập khẩu tôm đánh bắt tự nhiên của Malaysia

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 25/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ (DOS) đã đưa ra thông báo về việc đình chỉ chứng nhận 609 đối với nghề khai thác tôm đánh bắt tự nhiên ở các bang Kelantan, Terengganu, Pahang và Johor của Malaysia. Điều này có nghĩa là tôm đánh bắt ở các vùng này không thể nhập khẩu vào Mỹ. Việc cấm nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/6.

Mặc dù thông báo không nói cụ thể lý do tại sao các bang của Malaysia phải tuân theo lệnh cấm, nhưng nhiều dự đoán có liên quan đến các thiết bị đuổi rùa. DOS, trong một tuyên bố liên quan, cho biết họ đã chứng nhận 37 quốc gia và một nền kinh tế, đồng thời đưa ra chứng nhận cho 9 nghề cá là có các biện pháp thích hợp để bảo vệ rùa biển trong khi thu hoạch tôm đánh bắt tự nhiên hoặc có môi trường đánh bắt cá không gây ra mối đe dọa khi vô tình bắt rùa biển được bảo vệ trong quá trình thu hoạch tôm.

Việc Mỹ cấm nhập khẩu tôm đánh bắt tự nhiên của một số vùng tại Malaysia được cho là có liên quan đến việc bảo vệ rùa biển. Ảnh: Shutterstock

Trong khi đó, Liên minh Tôm phía Nam (SSA), một nhóm đại diện cho ngành đánh bắt tôm tự nhiên của Mỹ ở Vịnh Mexico và Bờ biển Đông Nam Đại Tây Dương, lại đang đặt câu hỏi tại sao tôm từ các quốc gia không có Chứng nhận 609 vẫn tiếp tục được nhập khẩu vào Mỹ.

SSA cho biết họ đã truy xuất dữ liệu biểu thuế hài hòa cho thấy tôm nước ấm đánh bắt tự nhiên trị giá gần 775,5 triệu USD đã được nhập khẩu vào Mỹ kể từ tháng 7/2021; trong đó, 6,7% khối lượng đến từ các quốc gia không có chứng nhận này.

Ông John Williams, Giám đốc điều hành của SSA, cho biết: “Chứng nhận 609 nhằm giúp đảm bảo tôm đánh bắt tự nhiên được bán ở thị trường Mỹ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, ít nhất là tương đương với những tiêu chuẩn áp đặt đối với người nuôi tôm ở nước này. Điều này mang lại sự thoải mái nhất định cho những người đánh bắt tôm tự nhiên ở Mỹ khi tôm đánh bắt phải tính đến sự an toàn của rùa biển. Ngư dân thương mại ở đất nước này phải tuân thủ luật pháp, tiêu chuẩn tương tự như áp dụng cho các nhà nhập khẩu”.

Hải Linh

(Theo Undercurrent News)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!