Mỹ: Mở rộng chương trình Giám sát Nhập khẩu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – NOAA đang xem xét việc đưa các loại thủy sản nhập khẩu như mực và cá hồi vào chương trình Giám sát Nhập khẩu thủy sản (SIMP) để đối phó với vấn đề “lao động cưỡng bức”.

Mới đây, vào ngày 14/11/2024, Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) công bố kế hoạch hành động nhằm mở rộng phạm vi của Chương trình Giám sát Nhập khẩu thủy sản (SIMP), tập trung vào các loài có nguy cơ cao như mực và cá hồi. Đây là lần đầu tiên vấn đề lao động cưỡng bức được chính thức đưa vào phạm vi điều chỉnh của chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, theo báo cáo của Frozen Food Guide.

Kế hoạch này nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) cùng nhiều vấn đề khác trong chuỗi cung ứng thủy sản. NOAA đề xuất thiết lập một hệ thống ưu tiên hai cấp để tối ưu hóa quá trình truy xuất nguồn gốc dựa trên mức độ rủi ro của các loài, đồng thời giới thiệu quy trình sàng lọc trước để ngăn chặn thủy sản trái phép xâm nhập vào thị trường Mỹ. Kế hoạch mới cũng sẽ tăng cường việc thu thập thông tin như chuyển tải trên biển và thời gian khai thác.

 

NOAA nhấn mạnh, các hoạt động ngoài khơi dài hạn và thiếu sự hỗ trợ về nguồn lực có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bóc lột lao động, vì vậy việc công bố các dữ liệu liên quan sẽ giúp củng cố công tác kiểm soát lao động cưỡng bức. NOAA dự kiến công bố các quy định trong kế hoạch hành động này vào năm 2025 và sẽ mở cửa đón nhận các ý kiến đóng góp từ cộng đồng.

Trong những năm gần đây, sự quan tâm toàn cầu đối với điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng thủy sản ngày càng tăng. Một số tổ chức phi lợi nhuận và truyền thông của Mỹ đã công bố các cuộc điều tra về điều kiện lao động trên các tàu cá đánh bắt xa bờ của Trung Quốc và các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản Trung Quốc, cho rằng có sự tồn tại của lao động cưỡng bức và bóc lột. Các hiệp hội trong ngành của Trung Quốc đã phản đối tính khách quan của các cuộc điều tra, và một số ý kiến cho rằng các báo cáo có thể có mục đích chính trị cụ thể và cố gắng làm suy yếu khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản ở một số quốc gia. Trong bối cảnh này, việc NOAA đưa vấn đề lao động vào kế hoạch SIMP được coi là một bước quan trọng trong việc mở rộng chính sách đối với chuỗi cung ứng.

Hiện tại, phạm vi quản lý của SIMP gồm 13 loài, trong đó có cá tuyết, cá hồng và một số loài cá ngừ. Việc NOAA mở rộng kế hoạch có thể sẽ tăng số loài được bảo vệ như mực, lươn và cá hồi nuôi cũng như cá hồi hoang dã, giúp giảm thiểu rủi ro sản phẩm bị dán nhãn sai hoặc đánh bắt trái phép trà trộn vào các lô hàng nhập khẩu. Các tổ chức bảo vệ môi trường ủng hộ việc này, cho rằng việc củng cố các hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo vệ lao động là một phần quan trọng trong việc loại bỏ các kẽ hở trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kế hoạch của NOAA cũng đã gây ra những phản ứng khác nhau từ ngành hải sản Mỹ. Viện nghề cá quốc gia (NFI) cho rằng việc mở rộng phạm vi của SIMP sẽ tăng gánh nặng cho ngành và gây áp lực không cần thiết lên các nhà nhập khẩu hợp pháp. Đồng thời, một số đại diện của ngành cũng bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả thực tế của hệ thống thu thập dữ liệu và truy xuất nguồn gốc. Ngược lại, Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Mỹ ủng hộ kế hoạch này.

Hiện, NOAA đang lên kế hoạch cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và sàng lọc thông qua hợp tác với Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, Bộ Lao động Hoa Kỳ và nhiều cơ quan khác.

Tuấn Minh

Theo Fisworldnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!