Mỹ vẫn “khát” fillet cá hồi Đại Tây Dương đông lạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bắt đầu từ thời điểm đại dịch, nhu cầu đối với fillet cá hồi Đại Tây Dương đông lạnh ở Mỹ vẫn chưa biến mất mà thậm chí còn ngày càng tăng.

Theo dữ liệu thương mại thủy sản mới nhất từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), Mỹ đã nhập khẩu 417.371 tấn cá hồi Đại Tây Dương với giá trị 5,4 tỷ USD trong năm 2022, mức tăng trưởng khiêm tốn 2% về khối lượng nhưng tăng hơn 19% về giá trị so với năm 2021. 

Trước đó, từ năm 2020 đến 2021, Mỹ đã tăng nhập khẩu từ 359.573 tấn, trị giá 3,4 tỷ USD lên 410.219 tấn, trị giá 4,5 tỷ USD, cao hơn 8% về khối lượng và hơn 33% về giá trị.

Thị phần nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương của Mỹ theo khối lượng sản phẩm. Nguồn: NOAA/UCN

Mỹ cũng đã phá kỷ lục trong năm 2022 khi nhập khẩu 3,4 triệu tấn thủy sản, trị giá 30,4 tỷ USD, trong đó tôm và cá hồi là hai mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất.

Trong so sánh hàng năm về nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương, fillet tươi vẫn dẫn đầu danh mục này trong năm 2022, với 197.108 tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng 2% về khối lượng và tăng 13% về giá trị so với năm 2021. Fillet tươi tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường cá hồi Đại Tây Dương của Mỹ cho đến hết năm 2022 với 47% trong tổng khối lượng, tương đương với năm 2021.

Cá tươi nguyên con là loại sản phẩm cá hồi Đại Tây Dương được nhập khẩu nhiều thứ hai trong năm ngoái, chiếm 126.837 tấn, trị giá 1,3 tỷ USD. Đó là mức tăng 13% về giá trị dù đã giảm 7% về số lượng. Ngoài ra, cá hồi tươi nguyên con hiện chiếm 30% thị phần khối lượng nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương, giảm từ 33% của năm 2021.

Tuy nhiên, loại sản phẩm có bước nhảy vọt lớn nhất lại là fillet đông lạnh. Mỹ đã nhập khẩu 88.946 tấn fillet cá hồi Đại Tây Dương đông lạnh trị giá 1,3 tỷ USD trong năm 2022, tăng 16% về lượng và tăng 41% về giá trị. Fillet đông lạnh chiếm 21% thị trường khối lượng nhập khẩu loài cá này, tăng so với thị phần trước đó là khoảng 19% vào năm 2021.

Doanh số bán lẻ cho người tiêu dùng cao hơn doanh số cho các nhà hàng – nơi thường tiêu thụ cá nguyên con, nguyên nhân được cho là bị ảnh hưởng từ đại dịch. Ông Angel Rubio, một nhà phân tích từ công ty nghiên cứu thị trường Urner Barry, tin rằng xu hướng này đơn giản là do người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm có thể dễ dàng bảo quản hơn và chế biến ở nhà hơn.

Ông Rubio và ông Sebastian Goycoolea, Giám đốc điều hành của BluGlacier, một liên doanh có trụ sở tại Miami, Florida giữa các nhà sản xuất cá hồi Blumar và Ventisqueros của Chilê, đều đồng ý rằng sự thay đổi trong sản xuất cá fillet và cá nguyên con cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ cá hồi fillet đông lạnh. Ngoài ra, Canada đã cắt giảm sản lượng fillet nguyên con, tươi và đông lạnh với tỷ lệ rất lớn trong năm 2022, giúp tạo ra khoảng trống trên thị trường, ông Rubio cho biết.

Ông James Griffin, Giám đốc Hội đồng tiếp thị cá hồi Chilê, cũng chia sẻ có nhiều thay đổi trên thị trường trong thời kỳ đại dịch có thể đã thúc đẩy sự chuyển hướng sang nhu cầu fillet.

Về thị trường cung cấp, Chilê là nguồn cung cấp fillet đông lạnh hàng đầu cho Mỹ trong năm 2022, chiếm 54.758 tấn, trị giá 762,8 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và 42% về giá trị. Tuy nhiên, fillet đông lạnh chỉ chiếm 25% tổng xuất khẩu cá hồi Đại Tây Dương của Chilê sang Mỹ trong năm 2022, tăng nhẹ so với 23% của năm 2021.

Na Uy, nguồn cung cấp cá hồi Đại Tây Dương lớn thứ ba của Mỹ, đã gửi sang Mỹ 20.202 tấn fillet đông lạnh trị giá 342,7 triệu USD, tăng 5% về khối lượng và 28% về giá trị. Fillet đông lạnh chiếm 30% tổng xuất khẩu cá hồi Đại Tây Dương của Na Uy sang Mỹ trong năm 2022, giảm từ mức 34% của năm 2021.

Mỹ không chỉ tiếp tục tiêu thụ nhiều cá hồi Đại Tây Dương hơn mà còn phải trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm này. Xem xét mức giá trung bình của NOAA đối với tất cả cá hồi Đại Tây Dương, bất kể quốc gia xuất xứ và hình thức sản phẩm, cho thấy giá đạt đỉnh trung bình 13,71 USD/kg vào tháng 4 trước khi giảm xuống 11,72 USD/kg vào tháng 10 và sau đó tăng trở lại lên 12,39 USD/kg vào tháng 12 trước khi kết thúc năm 2022.

Giá trung bình mới nhất do Urner Barry công bố đối với fillet tươi cắt miếng D, nặng 2 – 3 pound từ Chilê qua Miami có giá là 6,20 – 6,40 USD/pound hôm 23/2 mới đây, bằng với mức giá trung bình được công bố vào ngày 14/4/2022 – mức cao kỷ lục trước đó.

“Nhu cầu đối với cá hồi chưa bao giờ cao hơn như này và điều đó đang thúc đẩy giá cả, và lý do khác nữa là không có đủ nguồn cung”, ông Griffin nói.

Tuệ Nhi

Theo Undercurrent News

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!