(TSVN) – Công ty Bioretur tại Na Uy đã phát triển công nghệ xử lý chất thải trong các trại nuôi cá hồi thành phân bón dạng bột, vừa giảm ô nhiễm môi trường, lại tăng giá trị đầu ra cho các trại nuôi thủy sản.
Nuôi thâm canh phát triển kéo theo đầu vào cũng như lượng chất thải cá cũng tăng theo. Là quốc gia dẫn đầu thế giới về nuôi cá hồi, Na Uy đã phát triển công nghệ xử lý toàn bộ chất thải cá ngay trên biển, nhưng kéo theo đó là rủi ro suy giảm chất lượng nước biển và lãng phí các chất dinh dưỡng có giá trị như nitơ và phospho.
Nhờ công nghệ mới, các trại nuôi cá hiện nay tại Na Uy đã tìm ra cách xử lý chất thải bằng phương pháp cải tiến. Bioretur là doanh nghiệp đi đầu về công nghệ này tại Na Uy và đã cung cấp các giải pháp xử lý chất thải cá thành phân bón có giá trị. CEO của Bioretur, ông Steinar Wasmuth cho biết: “Hệ thống của chúng tôi làm sạch bùn thải và sấy khô rồi chế biến thành 90% bột. Chúng tôi cũng hỗ trợ dịch vụ như vận hành, vận chuyển, xử lý và chế biến. Chúng tôi tạo ra sản phẩm đạt chuẩn mà không cần sử dụng đến bất kỳ chất hóa học hay phụ phẩm độc hại nào”.
Hệ thống của Bioretur được lắp đặt trong các trại nuôi từ giai đoạn cá hồi giống đến trại ương và nuôi tăng trưởng. Hệ thống này sử dụng không khí nóng hay nhiệt do ma sát để sấy khô chất thải cá thành bột, sau đó vận chuyển đến một cơ sở trung tâm và chế biến thành phân bón mang thương hiệu Terremarine – một đối tác của Bioretur. Vận chuyển và xử lý chất thải có thể để lại dấu chân carbon khổng lồ, nhưng Bioretur đã khắc phục được nhược điểm này nhờ loại bỏ nước từ trước khi vận chuyển chất thải.
Bioretur tập trung vào vận chuyển thiết bị đáp ứng được yêu cầu vệ sinh, chi phí và bền vững. Công nghệ của hãng vẫn không ngừng phát triển. Toàn bộ các hệ thống đều được điều khiển từ xa từ bộ phận trung tâm của Bioretur và không cần sự vận hành hay bảo trì từ nhân viên trại nuôi cá.
Wasmuth đã thành lập Bioretur vào năm 2015 sau khi tìm ra phương pháp xử lý ý chất thải từ trung tâm đua ngựa tại trang trại của mình. Khoảng gần 1 tấn phân được thải ra mỗi ngày nhưng không thể sử dụng làm phân bón vì lẫn mùn cưa, gỗ răm từ các chuồng ngựa. Sau nhiều lần khám phá và thử nghiệm, Wasmuth đã thay thế chất liệu lót chuồng từ gỗ răm bằng rơm lúa mỳ. Khi công việc tiến triển, ông tiếp cận các trại nuôi cá và tìm cách xử lý chất thải tại đây. Bioretur cũng vận chuyển phân bón làm từ chất thải cá tới nhiều quốc gia khác như Việt Nam.
Wasmuth cho biết: “Chúng tôi vận chuyển chất thải khô tới Stavanger để chế biến thành phân bón. Từ đó chúng tôi làm việc với một công ty vận chuyển để đưa phân bón đến Việt Nam. Tại đây, phân bón được sử dụng để trồng trọt các loại cây nhiệt đới”. Theo Bioretur, dùng quá nhiều phân bón dẫn đến tình trạng đất đai thoái hóa ở Việt Nam và quốc gia này đang rất cần phân bón làm từ chất thải cá giàu phospho.
Với những trang trại nuôi cá phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của chính phủ về xử lý bùn thải, thì hệ thống của Bioretur được coi là giải pháp cứu cánh giúp giảm lãng phí chất dinh dưỡng giá trị, giảm thiểu ô nhiễm đại dương và thúc đẩy các trang trại thu hẹp dấu chân carbon. Các hệ thống trại nuôi cá hồi Atlantic của Grieg Seafood Finnmark tại Na Uy, Canada đã sử dụng công nghệ của Bioretur để xử lý 20 – 200 tấn bùn thải hàng năm. Giám đốc Grieg Seafood, ông Knut Skeidsvoll cho biết công nghệ này ít tiêu hao năng lượng và dễ sử dụng vì hoàn toàn tự động. Ông cho rằng, công nghệ của Bioretur sẽ còn tiến xa và ngày càng trở nên cần thiết hơn đối với các trang trại nuôi thủy sản trên toàn thế giới.