Năm 2023, Việt Nam cần khoảng 260.000 – 270.000 con tôm bố mẹ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Tổng cục Thủy sản, kế hoạch năm 2023, diện tích nuôi tôm cả nước là 750.000 ha (trong đó: tôm sú 610.000 ha, TTCT 120.000 ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác); sản lượng là 1.080 nghìn tấn, (trong đó: tôm sú 280 nghìn tấn, TTCT 750 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 – 270.000 con (trong đó: TTCT 200.000 – 210.000 con, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140 – 150 tỷ con (trong đó: TTCT 100 – 110 tỷ con và tôm sú 30 – 40 tỷ con).

Tổng cục Thủy sản đã đề ra một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong quản lý, sản xuất tôm giống. Cụ thể:

Về nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ

– Nghiên cứu, gia hóa và chọn tạo tôm sú bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ vùng nuôi hữu cơ, sinh thái (đến năm 2030 cần 150.000 – 200.000 con tôm sú bố mẹ).

– Nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ (tôm sú, TTCT) tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ cho các vùng nuôi tôm thâm canh (đến năm 2030 cần 600.000 – 700.000 con tôm sú, TTCT bố mẹ).

– Sản xuất giống tôm nước lợ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ cho các vùng nuôi tôm thương phẩm từ đàn tôm bố mẹ được gia hóa, chọn tạo trong nước (đến năm 2030 cần 250 – 300 tỷ tôm giống).

– Đề xuất bổ sung và tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để hoàn thiện quy trình công nghệ trong khâu chọn tạo và sản xuất tôm giống; khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hợp tác với các đơn vị nghiên cứu có uy tín để tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ chọn tạo giống; thực hiện khẩn trương các Chương trình, dự án tại Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS về: Chương trình gia hóa, chọn tạo đàn tôm bố mẹ; Nghiên cứu, gia hóa, chọn tạo, sản xuất tôm sú bố mẹ chất lượng cao; Nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất TTCT bố mẹ chất lượng cao.

– Tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ vì vậy trong nước cẩn chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc và tự nhiên và nguồn nhập khẩu. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

– Cần điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài về chọn tạo giống tôm nước lợ (đặc biệt là tôm sú) phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta. Cần chọn tạo tôm giống theo hướng: sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh, tăng trưởng nhanh.

Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất.

Năm 2022, cả nước có 2.104 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt 160,2 tỷ con (bằng 110% so năm 2021); ảnh: Phan Thanh Cường

Về quản lý chất lượng giống tôm nước lợ

– Các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn.

– Một số địa phương có số lượng cơ sở sản xuất, ương dưỡng được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn thấp cần tập trung tổ chức triển khai kiểm tra, đánh giá, cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn và xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định.

– Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai kiểm tra, thanh tra xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống thủy sản. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất và chất lượng tôm giống.

– Các địa phương tiếp tục thông tin cho Bộ NN&PTNT những phát sinh trong quá trình quản lý, đặc biệt trong việc thực hiện các quy định mới để kịp thời phối hợp quản lý.

– Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các vùng tiêu thụ tôm giống để kiểm soát chất lượng tôm giống.

Về triển khai quy chế phối hợp năm 2023

– Các địa phương chỉ đạo các bộ phận chuyên môn cung cấp thông tin cho đầu mối tham gia thực hiện Quy chế để phối hợp, chia sẻ với Tổng cục Thủy sản và các địa phương; thực hiện nghiêm các nội dung trong Quy chế phối hợp. 

– Tổng cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để quản lý chất lượng tôm giống, thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan giữa các địa phương sản xuất tôm giống và địa phương nuôi tôm thương phẩm.

>> Năm 2022, cả nước nhập khẩu 171.496 TTCT bố mẹ (bằng 77% so năm 2021); 328 con tôm sú bố mẹ (bằng 15,5% so năm 2021). TTCT bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Trong đó nhập khẩu từ Công ty SIS - Mỹ chiếm 60%, Công ty CP - Thái Lan chiếm 28%, các nhà cung cấp khác chiếm 12%. 

Hoài Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!