Nam Định: Phát triển nuôi ngao bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Toàn tỉnh Nam Định có hơn 3.000 ha nuôi ngao, tập trung ở 2 huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy. Hàng năm cung cấp từ 35.000 – 50.000 tấn ngao thương phẩm và hàng chục tỷ con ngao giống ra thị trường…

Năm 2020, toàn tỉnh có 500 ha nuôi tại vùng ngao xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng) được cấp chứng nhận nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC (đây là chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Meretrix lyrata). Chứng nhận ASC được ví như “VISA VIP” để các sản phẩm ngao của tỉnh đi vào nhiều thị trường trên thế giới, nhất là các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc, với giá trị cao hơn 2 – 3 lần. Khi đạt chứng nhận ASC này sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển các sản phẩm thương hiệu Việt Nam từ ngao, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa có thể quảng bá mạnh mẽ cho thương hiệu sản phẩm thủy sản nuôi trồng Việt Nam nói chung và thương hiệu sản phẩm ngao của tỉnh nói riêng.

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho  biết, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đặt ra yêu cầu phải phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng đạt các chứng nhận quốc tế, Chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata của Nam Định mở ra cơ hội giao thương cho ngành thủy sản nói chung và ngành hàng ngao nói riêng khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như: TPP, FTA, EVFTA… Để giải quyết những hạn chế và khai thác tốt cơ hội “vàng” cho phát triển nghề sản xuất ngao của địa phương, Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngao trên địa bàn, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Phối hợp với UBND các huyện ven biển hướng dẫn quy trình nuôi, công tác quản lý vùng nuôi cho ngư dân; đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ; tiến hành thu mẫu định kỳ để đánh giá môi trường và dịch bệnh nhằm cảnh báo cho người nuôi tránh được những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất; triển khai chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ, bảo đảm đạt tiêu chuẩn B châu Âu về an toàn sinh học cho sản phẩm ngao thương phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU. 

Theo các chuyên gia, về lâu dài, Nam Định cần tính đến việc tạo chuỗi liên kết khép kín từ quá trình ương nuôi ngao giống đến sản xuất và chế biến ngao thương phẩm nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và giải quyết đầu ra sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu ngao Nam Định đứng vững tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Người nuôi ngao phải tập trung xây dựng, quy hoạch vùng sản xuất lớn, liên kết sản xuất, áp dụng các quy chuẩn an toàn của quốc gia, quốc tế.

Qua đánh giá, vùng nuôi ngao của tỉnh vẫn còn hơn 2.000 ha nuôi ngao ở các huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng có khả năng đạt chứng nhận ASC. Nếu tăng được diện tích vùng nuôi đạt chứng nhận ASC sẽ mở ra những cơ hội phát triển lớn cho ngành ngao của tỉnh. Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, chế biến ngao xuất khẩu và chứng nhận ASC đối với các vùng nuôi ngao khác của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các địa phương có vùng nuôi ngao có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp về địa phương phối hợp cùng người dân sản xuất ngao bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản xuất, đời sống và thu nhập cho người dân. 

Trước đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã về nghiên cứu thực tế vùng nuôi ngao của Nam Định nhằm định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất giống ngao đáp ứng nhu cầu nuôi của các địa phương. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì và phát triển các chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến, kinh doanh ngao; kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu phát triển các sản phẩm mới từ ngao. Trước mắt Nam Định sẽ tạo điều kiện tối đa để Công ty TNHH Lenger Việt Nam (lần đầu tiên đã xuất khẩu 200.000 hộp thịt ngao sang thị trường châu Âu vào cuối năm 2021) xây dựng mô hình thí điểm làm sạch ngao đạt loại A theo tiêu chuẩn châu Âu để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp vào thị trường này. Tiếp tục nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!