THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Nam Định: Tăng cường quản lý thủy sản mùa mưa bão

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện, đang vào thời điểm mùa mưa bão, do đó, ngành chức năng Nam Định khuyến cáo người nuôi chủ động thực hiện các biện pháp quản lý để đảm bảo an toàn cho thủy sản.

Thông tin từ Cục Thống kê Nam Định, sản xuất thủy sản tháng 7/2024 của địa phương tiếp tục phát triển ổn định; sản lượng thủy sản ước đạt 18.481 tấn, tăng 4,0% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản đạt 131.786 tấn, tăng 4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt 89.456 tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Các giống con nuôi chủ lực vẫn là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp… Các hộ nuôi trồng thủy sản tích cực chăm sóc và thu hoạch các đối tượng đạt kích cỡ thương phẩm, các đối tượng nuôi đều ổn định, không phát sinh dịch bệnh.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm nay diễn biến phức tạp, Nam Định có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1 – 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; lượng mưa phân bổ không đều theo thời gian, xen kẽ những đợt mưa là những đợt nắng hạn cục bộ kéo dài từ 5 – 7 ngày, thời tiết nắng nóng, oi bức.

Người nuôi cần theo dõi thường xuyên các yếu tố môi trường (Ảnh minh họa). Ảnh: ST

Do đó, để bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi thủy sản, Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nuôi, về công tác đảm bảo an toàn cho người và ao, đầm nuôi. Các địa phương tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống, quạt sục khí; hướng dẫn người nuôi thu hoạch trước mùa mưa, bão nếu tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi bão, lũ xảy ra; thường xuyên kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi.

Ông Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định cho biết: “Chi cục đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, tu bổ bờ ao, bờ vùng khu vực nuôi thủy sản bảo đảm chắc chắn. Phát quang cây cối, vớt bèo, rác thải để khơi thông dòng chảy, tạo đường thoát nước mưa nhanh. Đặt lưới chắn xung quanh bờ ao (độ cao 40 – 50 cm, ghim sâu 20 – 30 cm dưới mặt đất) để ngăn cá, tôm thoát ra ngoài, đặt lưới chắn hình chữ V trước cống xả tràn để tăng diện tích thoát nước khi có lũ lụt lớn xảy ra. Tháo bớt nước trong ao trước các đợt mưa, lũ lớn và chuẩn bị các dụng cụ, vật tư cần thiết để dự phòng. Trong mùa mưa theo dõi thường xuyên thời tiết và các thông tin dự báo hàng ngày để chủ động trong công tác sản xuất nuôi trồng thủy sản; khi môi trường và thủy sản có dấu hiệu bất thường, người nuôi cần báo ngay cho các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để hướng dẫn các biện pháp và phương án xử lý kịp thời, tránh để xảy ra các thiệt hại không đáng có. Chủ động kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng bè, dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng. Trong trường hợp lồng không thể di chuyển, cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng… Hướng dẫn thu hoạch đúng mùa vụ và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tuyệt đối không cho người ở lại đầm và trên các chòi canh coi khi có bão, không chủ quan với những bất thường của thời tiết, nhất là khi có áp thấp nhiệt đới, bão trên biển Đông”.

Nguyễn Hằng

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!