T2, 06/07/2020 09:46

Nâng cao năng lực khai thác thủy sản cho ngư dân.

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Nhìn từ công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, thợ máy tàu cá, nâng cao năng lực khai thác thủy sản cho ngư dân là một việc làm hết sức cần thiết và cần phải đươc tiến hành thường xuyên. Do đặc điểm nghề cá nước ta là nghề cá nhân dân, tàu thuyền chủ yếu là nhỏ, ngư cụ sử dụng mang tính truyền thống, trang thiết bị khai thác và bảo đảm an toàn lạc hậu và còn nhiều thiếu thốn. Đứng trước tình hình như vậy thì việc nâng cao năng lực khai thác thủy sản cho

Như vậy công tác đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng máy trưởng thuyền viên và thợ máy tàu cá (sau đây gọi chung là chứng chỉ tàu cá) đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ngoài ra, các chương trình tuyên truyền khi được lồng ghép vào bài giảng luôn phát huy hiệu quả cao nhất. Trong khuôn khổ bài viết này xin được góp một số ý kiến về vấn đề nâng cao năng lực khai thác thủy sản cho ngư dân dưới góc nhìn từ công tác đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ tàu cá.

Thực trạng công tác đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ tàu cá ở nước ta.
 

Ở nước ta hiện nay có hai trung tâm đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ tàu cá lớn đó là Trung tâm Đăng kiểm và Tư vấn nghề cá trực thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Khoa Khai thác thủy sản thuộc Đại học Nha Trang. Ngoài ra còn có một số các cơ sở đào tạo khác trực thuộc các trường chuyên và không chuyên về khai thác thủy sản và một số địa phương.

 

Về mặt thuận lợi: Quyết định số 77/2008/QĐ-BNN ngày 30/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế Bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên và thợ máy tàu cá đã tạo điều kiên thuận lợi cho các cơ sở trong việc tổ chức đào tạo, soạn thảo phát hành tài liệu, giáo trình, bài giảng, tổ chức thi theo một chương trình chung thống nhất. Các phương tiện kỹ thuật hiện đại đã ngày một được đưa vào nhiều hơn để hỗ trợ cho quá trình lên lớp của giáo viên. Đội ngũ giáo viên của các cơ sở đạo tạo ngày càng được nâng cao về trình độ lý thuyết và năng lực thực hành và hướng dẫn thực hành trên biển. Ngoài ra cũng cần nhận thấy một thuận lợi rất lớn nữa là ý thức về việc chấp hành pháp luật của nhà nước, tinh thần tích cực tìm hiểu, tiếp thu và áp dụng công nghệ mới của ngư dân vào sản xuất đang từng bước được nâng lên.

 

 Những khó khăn và bất cập: Khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tàu cá là mặt bằng trình độ ngư dân nước ta còn thấp và không đồng đều. Có rất nhiều ngư dân đã có nhiều năm kinh nghiệm tham gia sản xuất trên biển ở vị trí thuyền trưởng, máy trưởng nhưng không thể đọc thông viết thạo, thậm chí nhiều nguười còn chưa biết chữ.Thêm vào đó do điều kiện kinh tế của ngư dân còn gặp rất nhiều khó khăn cũng khiến bà con ngư dân ngần ngại tham gia các lớp bồi dưỡng mặc dù thời gian đào tạo không dài và học phí cũng không quá cao. Việc triển khai công tác đào tạo cũng nảy sinh một số bất cập cần khắc phục ngay như:

 

Nhiều cơ sở đào tạo không có các chuyên gia về lĩnh vực khai thác thủy sản nên trong quá trình giảng dạy đã quá tập trung về vấn đề nghiệp vụ hàng hải mà bỏ qua công tác khai thác thủy sản, một vấn đề trọng yếu của chương trình đào tạo. Bởi lẽ tàu cá không thể hiểu như một phương tiện vận tải đơn thuần mà là một đơn vị sản xuất trên biển,vì vậy mục tiêu quan trọng nhất của tàu là khai thác thủy sản cho lên thuyền viên tàu cá cần nắm thật vững các nghiệp vụ về khai thác, các kiến thức về nguồn lợi, các quy trình công nghệ mới, tiên tiến được đưa vào áp dụng trong thực tế.

 

Chương trình đào tạo chưa thực sự linh động: Do đặc thù nghề nghiệp có tính địa phương cao, cho nên chương trình đào tạo cũng cần phải linh động thay đổi cho phù hợp với tập quán sản xuất của từng địa phương, đặc biệt là công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng ngư trường, từng địa phương đang phải đối mặt với vấn đề suy giảm nguồn lợi, ô nhiễm môi trường khác nhau thì chương trình lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức người dân phải khác nhau.

 

Giáo viên đứng lớp chưa có nhiều điều kiện thực tế trên biển: Đối với nghề khai thác thủy sản giáo viên cần có điều kiện được tham gia sản xuất trực tiếp trên biển cùng với ngư dân. Điều này một mặt giúp giáo viên trực tiếp kiểm chứng lý thuyết trong những điều kiện sản xuất phức tạp trên biển,một mặt khác giáo viên có thể thấy được tập quán khai thác thủy sản khác nhau của từng địa phương để từ đó có thể tham mưu cho các cơ quan chức năng đề ra các biện pháp phát triển nghề và bảo vệ nguồn lợi cho thật phù hợp với đia phương mình.

 

Một số ý kiến đề xuất

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành chương trình khung các lớp bồi dưỡng để các cơ sở đào tạo làm căn cứ xây dựng chương trình bồi dưỡng chi tiết, tài liệu giảng dạy và chủ động bổ sung các nội dung  phù hợp với đối tượng học và thực tiễn sản xuất của ngành, cũng như thực tiễn tại các địa phương.

Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần rà soát lại các cơ sở được cấp phép đào tạo nhằm giúp các cơ sở bổ sung cán bộ có chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ đào tạo, đồng thời giúp đỡ các cơ sở đào tạo nâng cao năng lực trình độ cho giáo viên.

 Việc nâng cao năng lực khai thác thủy sản cũng đồng thời phải được tiến hành với công tác nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Chính vì vậy, các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tàu cá tốt nhất nên tổ chức tại các địa phương, ở đó cán bộ thủy sản các đia phương có thể lồng ghép vào các chương trình khuyến ngư cũng như tuyên truyền phổ biến các quy định về lĩnh vực thủy sản của địa phương mình đến bà con ngư dân.

PHẠM VĂN NGHIÊM

(Trung tâm Đăng kiểm và Tư vấn nghề cá –

Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!