Chung tay góp sức vào công cuộc quản lý chất lượng con giống trong nuôi trồng thủy sản hiện là vấn đề cấp thiết cần được đặt ra. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, mà còn phải có sự tích cực hợp tác từ doanh nghiệp và chính người nuôi.
Thời gian qua công tác quản lý nhà nước đã được tăng cường để siết chặt quản lý chất lượng con giống, hệ thống sản xuất, lưu thông tiêu thụ giống thủy sản. Cùng với việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp cho Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản, Trung tâm Giống Thủy sản cấp I và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung ở Nam Trung bộ, đảm bảo điều kiện sản xuất giống theo quy định pháp luật và kiểm soát được chất lượng giống. Cùng đó, các ngành chức năng cũng đã quy hoạch một số khu sản xuất giống tập trung như: Vùng sản xuất giống có quy mô lớn hơn 50 ha tại các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và quy mô nhỏ hơn 50 ha ở Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Tiền Giang. Nhờ đó, chất lượng con giống cũng đã có nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, thực trạng về chất lượng con giống vẫn luôn được xem là vấn đề “nóng” trong ngành thủy sản bấy lâu nay. Bởi, còn rất nhiều bất cập trong việc kiểm soát đồng bộ chất lượng con giống từ các cấp đến ý thức tham gia của doanh nghiệp và người nuôi thủy sản.
Những khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát của Tổng cục Thủy sản hiện nay tại các cơ sở sản xuất kinh doanh con giống trách nhiệm một phần ở Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và kiểm dịch con giống theo quy định… Bên cạnh đó, vấn đề thiếu kinh phí đầu tư xây dựng các trạm kiểm soát và phục vụ hoạt động của các tổ kiểm tra/kiểm soát. Cùng đó, các tổ/đội tuần tra kiểm soát hoạt động chưa thường xuyên. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát còn tồn tại những bất cập.
Hay bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh con giống sản xuất chân chính, tạo ra những con giống đảm bảo chất lượng, uy tín để tạo dựng thương hiệu cho ngành thủy sản Việt Nam thì cũng còn không ít những cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn “gian trá” hòng chuộc lợi cho mình là một trong những nguyên nhân gây dịch bệnh, tôm chậm lớn… dẫn đến thiệt hại cho người nuôi, ảnh hưởng cả doanh nghiệp sản xuất chân chính. Như đầu tháng 10/2016, tại Phú Yên, các cơ sở sản xuất giống tôm tôm Nhã; Cở sở tôm giống Hữu Thận; Cơ sở sản xuất giống Úc Việt; Cơ sở sản xuất giống Văn Khanh (đều thuộc khu phố Phụ Thọ, Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) có hành vi sử dụng tôm bố mẹ không đảm bảo chất lượng, lấy tôm từ ao nuôi thương phẩm để làm tôm bố mẹ cho sinh sản, cung cấp tôm giống ra thị trường. Các cơ sở này đã bị Tổng cục Thủy sản phát hiện và xử lý nghiêm, xử phạt 35 triệu đồng/cơ sở và tiêu hủy gần 5.000 con tôm bố mẹ.
Không những thế, ý thức có phần “dễ dãi” của người dân khi mua con giống cũng tạo nên những lỗ hổng cho các thương lái thu gom con giống kém chất lượng. Do không thể phân biệt được đâu là giống tốt, vì thế nhiều người nhắm mắt mua theo kiểu “hên xui”; Hoặc người nuôi chưa lên kế hoạch cụ thể, đến chợ, lựa chọn con giống hợp lý thì mua, trong khi, môi trường ở chợ, con giống dễ bị lây nhiễm dịch bệnh.
Qua đó có thể thấy, giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nuôi chưa thực sự có những liên kết chặt chẽ trong việc cùng nhau giám sát, kiểm tra và gây dựng nên con giống chất lượng; nhất là tôm giống ở nước ta.
Có thể nhận thấy rằng, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế do tham gia các hiệp định song phương, doanh nghiệp tích cực đầu tư công nghệ tiên tiến cho sản xuất con giống; điều kiện thời tiết thuận lợi hình thành nhiều vùng sản xuất con giống tập trung. Tuy nhiên, để có thể tận dụng và phát huy, rất cần sự đầu tư hơn nữa từ Nhà nước cũng như sự tham gia ngày một nhiều hơn của các doanh nghiệp. Cùng với đó, là sự tương tác giữa các cơ quan quản lý địa phương với người dân để siết chặt và loại bỏ con giống kém chất lượng, loại bỏ những cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản không uy tín. Để ngành thủy sản phát triển bền vững, chất lượng con giống cũng cần được chú trọng hơn thông qua quản lý quá trình sản xuất, cung ứng ra thị trường…
>> Để tiếp nhận ý kiến phản ánh từ các tổ chức và cá nhân về chất lượng giống thủy sản và vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã ban hành Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin trong giờ hành chính của các ngày làm việc trong tuần theo địa chỉ sau: Điện thoại: 04 372 45 372; fax: 04 372 45 120; email: ntts@mard.gov.vn |