Đề án 52 góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân vùng biển đảo. Để đạt hiệu quả hơn, cần đầu tư triển khai toàn diện, đầy đủ hơn, nhằm nâng cao chất lượng dân số, góp phần giữ gìn biển đảo Tổ quốc. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tân (ảnh), Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số, Bộ Y tế.
Ông có thể cho biết kết quả thực hiện Đề án 52 tới thời điểm này?
Sau 5 năm triển khai Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52), 28/28 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án giai đoạn 2009 – 2020; giao 100% kinh phí theo phân bổ của trung ương. Đã thành lập 169 đội lưu động Y tế – KHHGĐ tuyến huyện với hàng nghìn lượt đội lưu động, cung cấp dịch vụ tại địa phương; tư vấn, cung cấp đầy đủ, kịp thời, thuận tiện, có chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS/KHHGĐ cho hàng triệu phụ nữ và bà mẹ mang thai.
Dân số tại các địa bàn Đề án có khoảng 20,4 triệu người, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15 – 49 chiếm khoảng 27,1%. Tỷ lệ phụ nữ 15 – 49 có chồng sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng lên (hiện là 72,9%), đặc biệt là đối với các biện pháp tránh thai hiện đại. Phương tiện tránh thai cũng được cung cấp ngày càng đa dạng, thuận tiện cho người dân. Đáng chú ý, các số liệu chuyên ngành của địa bàn Đề án đã được cập nhật vào bản đồ điện tử dân số vùng biển đảo. Điều này giúp công tác quản lý dân số vùng biển, đảo ngày càng hiện đại, nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Việc triển khai công tác dân số nói chung và Đề án 52 của các địa phương gặp những khó khăn gì?
Tỷ lệ tăng dân số cao do nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao, nhất là nhu cầu sinh con trai do phong tục, tập quán và đặc thù lao động biển. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ số giới tính khi của khu vực này đang là 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Theo kết quả khảo sát năm 2009 của Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tổng cục DS – KHHGĐ, 95,9% người trong tuổi sinh đẻ ở vùng ven biển được hỏi muốn sinh con trai để có người nối dõi; 76,1% để có chỗ dựa về kinh tế do đặc thù lao động nghề biển. Vì vậy, thực hiện mục tiêu giảm sinh ở các xã ven biển vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhiều năm tới.
Điều tra về cơ cấu bệnh tật vùng Đề án 52 năm 2010 cho thấy, tỷ lệ các thành viên trong một gia đình sóng trên huyện đảo có ít nhất một bệnh là hơn 70%. Theo kết quả điều tra năm 2012 của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), chỉ 46,7% tổng số trạm Y tế xã đảo có bác sỹ; hơn 80% tổng số gia đình ở khu vực biển, đảo cần được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh (kể cả dịch vụ chất lượng cao); 18% tổng số cơ sở y tế không đủ trang thiết bị mức bình thường…
Hoạt động chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ vùng biển được nâng cao – Ảnh: Quang Quyết
Nội dung trọng tâm của Đề án trong năm 2015 là gì, thưa ông?
Năm 2015, tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý thực hiện Đề án từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và dư luận xã hội cho tổ chức thực hiện. Mở rộng các mô hình can thiệp có hiệu quả, xây dựng các mô hình can thiệp mới phù hợp trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/KHHGĐ, ưu tiên tổ chức đội lưu động Y tế – KHHGĐ tuyến huyện. Củng cố hệ thống thu thập dữ liệu, thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch, quản lý và triển khai hoạt động. Tăng cường, phối hợp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ, tạo tiền đề đánh giá kết quả theo mục tiêu năm 2015 của Đề án đã được Chính phủ phê duyệt.
Trong hoàn cảnh phải giảm kinh phí như hiện nay, theo ông, làm sao để các địa phương thực hiện hiệu quả?
Đặc thù Chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ và Đề án 52 là kinh phí được lập và phân bổ thực hiện theo những mục tiêu cụ thể; thiếu kinh phí thì phải giảm mục tiêu. Mặc dù vậy, ngành DS – KHHGĐ vẫn cố gắng khắc phục bằng cách chọn thực hiện các mục tiêu quan trọng trước. Về phía địa phương, chúng tôi cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương để giải quyết những vấn đề theo đặc thù riêng của địa phương mình; Đồng thời, vận động thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác DS – KHHGĐ, tạo sự đồng thuận, tham gia thực hiện của toàn xã hội. Hơn nữa, để đạt hiệu quả hơn, cần đầu tư hơn nữa để người dân vùng biển được thực hiện toàn diện, đầy đủ, góp phần giữ gìn biển đảo Tổ quốc.
>> Năm 2014, cả nước có 3.288 lượt đội lưu động tuyến tỉnh và huyện cung cấp dịch vụ tại trạm y tế xã; 162 lượt đội dịch vụ lưu động; 2.188.000 lượt người được tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ; 518.466 bà mẹ mang thai được khám thai; 3.121.063 phụ nữ trong tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa (1.134.784 trường hợp được cấp thuốc điều trị và tư vấn). |