(TSVN) – Tình trạng nhập lậu tôm hùm giống trái phép đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm hùm Việt Nam. Để bảo vệ nguồn gen quý báu và đảm bảo chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, sản lượng nuôi tôm hùm ở Việt Nam được duy trì ổn định đạt trên 3.200 tấn/ năm với hơn 180.000 lồng nuôi. Hai đối tượng nuôi chính là nuôi tôm hùm xanh (Panulirus homarus) và tôm hùm bông (Panulirus ornatus). Tuy nhiên, hai đối tượng này nói riêng và tôm hùm nói chung đến nay trên thế giới chưa sản xuất giống thành công, nguồn giống vẫn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên. Nhu cầu nguồn giống cho nuôi tôm hùm trung bình vào khoảng 80 triệu con/ năm, trong đó tôm hùm giống khai thác tại các tỉnh miền Trung ước đạt 4,0 – 5,0 triệu con.
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ, đường hàng không, đường sông, đường biển đã và đang diễn ra rất phổ biến, phức tạp, dẫn đến nguy cơ rất cao xâm nhiễm các loại mầm bệnh (Đốm trắng, Bệnh sữa,…), tôm kém chất lượng, tổn thất lớn kinh phí của người mua tôm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành nuôi tôm hùm, vi phạm pháp luật về kiểm dịch thú y và thuế quan.
Nhằm chấm dứt những sai phạm và tổn thất nêu trên và để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 31/01/2024, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật.
Cụ thể tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cảng hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông, đường biển… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, nhập lậu, vận chuyển tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam.
Chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng, Ban chỉ đạo 389 địa phương lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng nhập lậu, vận chuyển trái phép tôm hùm giống vào Việt Nam; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn có liên quan để tăng cường kiểm tra các cơ sở nuôi cách ly, cơ sở nuôi tôm để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống.
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài, tôm hùm kém chất lượng do các hoạt động nhập lậu, vận chuyển trái phép và tiếp tay tiêu thụ tôm hùm giống nhập lậu.
Tại Bình Định, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh, các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc mua, bán, vận chuyển tôm hùm giống không rõ nguồn gốc, nhập từ nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở nuôi cách ly, cơ sở nuôi tôm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời nhằm tăng cường kiểm soát việc khai thác giống tôm hùm, ổn định về chất lượng đồng thời bảo tồn và phát triển nguồn lợi cho các năm tiếp theo, Cục Thủy sản ( Bộ NN&PTNT) đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận triển khai các nội dung: Tuân thủ các quy định về mùa vụ khai thác, kích cỡ khai thác tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Tổ chức lại hoạt động khai thác giống tôm hùm theo hướng liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; khai thác giống tôm hùm theo quy định của pháp luật, đảm bảo 100% tôm hùm giống khai thác, cung cấp cho người nuôi truy xuất được nguồn gốc; Xây dựng phương án và tổ chức quản lý hoạt động khai thác tôm hùm giống cùng với xây dựng tài liệu hướng dẫn khai thác tôm hùm giống hợp lý tại địa phương.
Ái Trinh