Ngành cá cảnh “bỏ lỡ” nhiều giá trị

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghề sản xuất, kinh doanh cá cảnh là một bộ phận của ngành thủy sản thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tạo kim ngạch xuất khẩu đáng kể. Thị trường mở ra rất rộng với ngành cá cảnh của thành phố mang tên Bác, tuy nhiên, để thực sự bứt tốc, ngành hàng này rất cần tận dụng tốt những cơ hội.

Nét văn hóa đẹp

Người dân tại TP Hồ Chí Minh có truyền thống nuôi cá cảnh. Người lớn nuôi cá đắt tiền, cầu kỳ, trẻ em nuôi những con cá rẻ tiền, phổ biến. Các quán cà phê cá cảnh mọc lên, những điểm vui chơi ngắm cá cảnh cũng được xây dựng. Có thể nói, ít nơi đâu mà người dân lại yêu thích cá cảnh như tại thành phố mang tên Bác. 

Ca sĩ Đan Trường nổi tiếng trong giới chơi cá cảnh khi anh có tới 30 bể cá khác nhau tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, có hàng chục loại cá được nuôi như cá bảy màu, dĩa, rồng, hồng kim, lau kiếng… Ca sĩ này còn có tài nuôi cá đẻ hàng trăm con. Cùng giới nghệ sĩ, nữ ca sĩ Minh Hằng cũng nuôi cá trong hồ tại biệt thự. Tại quận 2, rất nhiều biệt thự nuôi cá cảnh vì không gian thoáng đãng. Trong khi trung tâm thành phố, do diện tích hẹp nên cá không nuôi trong hồ mà nuôi bể nhỏ, cá có giá trị cao. Không hiếm những con cá giá hàng nghìn USD được nuôi. Ca sĩ Cao Thái Sơn đầu tư nuôi cá Koi với hồ cá trị giá cả tỷ đồng, được truyền thông ca ngợi. Rất nhiều nghệ sĩ khác cũng nuôi các loại cá rồng, nuôi tôm cảnh, rất độc đáo, tốn kém. 

Tết năm nay, nhiều người vào chùa Vĩnh Nghiêm ngạc nhiên thấy một hồ cá Koi lớn đặt ở sau chùa, trước tượng Phật Quan Âm. Các em nhỏ, các cô gái thích thú và rất hào hứng khi chụp ảnh với tượng Phật và cá Koi. Tại huyện Hóc Môn cũng đã xây dựng một khu sinh thái kiểu Nhật Bản, hàng ngày thu hút cả nghìn lượt khách đến xem cá Koi. Đàn cá lớn, đắt tiền, có con giá trị hàng trăm triệu đồng. 

Mở rộng cơ hội

Trước năm 2004, việc sản xuất kinh doanh cá cảnh tại thành phố Hồ Chí Minh mang tính tự phát, nhỏ lẻ theo hình thức “cha truyền con nối”; chủng loại cá đa dạng nhưng không tập trung. Những năm gần đây, sản xuất, kinh doanh cá cảnh phát triển khá nhanh, không chỉ phục vụ cho nhu cầu nội thành và bán sang các tỉnh, thành lân cận thì hiện nay đã có nhiều hộ nuôi cá mở rộng quy mô với đa dạng các sản phẩm phục vụ cả thị trường trong và ngoài nước. 

Phố Nguyễn Thông (phường 9, quận 3) là nơi bán nhiều loại cá cảnh tại TP Hồ Chí Minh. Chủ một cửa hàng ở đây cho biết, khách mua kén chọn và yêu cầu mỗi năm một cao hơn về chủng loại về các phụ kiện. Một số cửa hàng thậm chí bán cá cảnh biển, rất đắt tiền và nuôi dưỡng cực kỳ tốn kém. Nghề buôn bán cá cảnh giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân quanh phố. 

Quận 7 vốn có nghề nuôi cá cảnh, nhiều hộ cùng nuôi, nhân giống để bán. Nhưng rồi đất chật người đông, Hội Nông dân quận giải tán vì không còn đất nông nghiệp. Song nhiều quận huyện vẫn phát triển mạnh nghề này, nhất là ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Anh Phan Văn Lâm, ở khu phố 2, thị trấn Hóc Môn sau 20 năm nuôi cá cảnh đã gầy dựng được “cơ ngơi” với hàng nghìn con cá dĩa. Anh Thanh ở Trung An, Củ Chi cũng sở hữu 300 hồ cá dĩa, mỗi năm thu 1 tỷ đồng từ bán cá. 

Nghề nuôi cá cảnh đã và đang tạo ra nhiều hoạt động quảng bá du lịch, thương mại làm nên màu sắc riêng của thành phố. 

Năm 2020, Hội chợ triển lãm cá cảnh quy tụ hơn 70 đơn vị với 100 gian hàng là các nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên sản xuất hoa cây kiểng và nuôi trồng cá cảnh các loại trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành lân cận. Nhiều hoạt động thú vị như cuộc thi Đấu trường Oranda với sự tham gia của 72 hồ cá vàng dành cho hai size cá thuộc dòng cá Oranda.

Bên cạnh các giống cá truyền thống, các hộ và hợp tác xã đã hình thành nhiều công ty chuyên xuất nhập khẩu cá cảnh, như Công ty Saigon Aquarium, Công ty Hải Thanh chuyên về cá chép Koi, Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức… giúp cho nguồn cá giống phong phú và chủng loại ngày càng đa dạng. Bên cạnh đó, thị trường phụ kiện nghề cá cảnh như ao bể, tư vấn nuôi, chăm sóc… thường xuyên được bổ sung, cập nhật. Giá trị cá cảnh chỉ chiếm khoảng 10% chi phí, trong khi 90% còn lại là khâu thiết kế ao bể, trang thiết bị… Do vậy, triển lãm các bể cá đẹp hay các tour du lịch tham quan cá cảnh ngày càng được chú ý hơn. 

Tận dụng thời cơ

Có trên 20 tổ chức, cá nhân xuất khẩu cá cảnh qua cửa khẩu TP Hồ Chí Minh. Cá cảnh của thành phố xuất khẩu đến 46 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 55%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ và Nam Phi. Năm 2020, cá cảnh xuất khẩu đạt 16,41 triệu con, giảm 23,7% so cùng kỳ nhưng kim ngạch xuất khẩu 17,26 triệu USD, tăng 25,7% so cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu chiếm 54,09%; châu Á chiếm 29,18%; châu Mỹ chiếm 14,34%. Xuất khẩu cá cảnh của Việt Nam hiện đứng thứ 17/125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia xuất khẩu cá cảnh, chiếm tỷ trọng 1,2% của thế giới. Rõ ràng đây là một con số khiêm tốn nếu so với tiềm năng của một đất nước có truyền thống nuôi và thương mại cá cảnh, có bãi biển dài, có nghề thủy sản phát triển. 

Trong các hội thảo, triển lãm, phần lớn ý kiến người nuôi và chuyên gia nhận xét ngành nuôi cá cảnh tại TP Hồ Chí Minh còn nhỏ lẻ, thiếu bài bản, vẫn theo kiểu phong trào. Rất cần có quy hoạch tổng thể, từ khâu giống, phân phối, thị trường, tạo ra một “thế trận” liên hoàn khép kín. Đa số các hộ hiện nuôi nhỏ lẻ và do công nghệ còn hạn chế nên nhiều giống loài quý, hiếm đứng trước nguy cơ thoái hóa. 

Trao đổi với phóng viên, nhiều hộ kinh doanh cá cảnh cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ rất quan trọng. Chẳng hạn, ngành nuôi cá cảnh vẫn phải nhập khẩu rất nhiều bể từ nước ngoài, nhập các loại rong rêu cảnh… (chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan); trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế sản xuất và xuất khẩu các phụ kiện nuôi cá cảnh. Được biết, trong ngành nuôi cá cảnh thì giá trị cá cảnh chỉ chiếm 10%, trong khi 90% còn lại là chi phí bể, thiết kế, chuyển giao kỹ thuật…

Các chuyên gia đều cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu mặt hàng cá cảnh, TP Hồ Chí Minh cần phải đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời tổ chức nhiều mô hình tham quan, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế để quảng bá về nghề nuôi cá cảnh tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, xây dựng thương hiệu cá cảnh của thành phố; đồng thời biến thành phố trở thành một trong những trung tâm hàng đầu của ngành cá cảnh Đông Nam Á và thế giới, tương xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh của mình. 

>> TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 290 cơ sở, hộ nuôi, tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Chánh (50 ha/110 cơ sở và hộ nuôi), huyện Củ Chi (25 ha/41 cơ sở, hộ nuôi). Theo đó, Công ty CP Sài Gòn cá kiểng (Saigon Aquarium) và HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn có diện tích sản xuất 12 ha, Công ty Thiên Đức 1 ha số còn lại ở huyện Hóc Môn, các quận 8, 9, 12, Gò Vấp, TP Thủ Đức.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!