Ông Nguyễn Hữu Nguyên (ảnh), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Châu Phú (An Giang) trả lời phỏng vấn TSVN.
Ông đánh giá thế nào về hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới?
– Hồi trước, ở nhà lo nuôi cá, tôi cứ nghĩ con cá tra của mình chiếm vị trí quan trọng trên thế giới. Song tham dự những hội chợ thủy sản lớn mới thấy, sản phẩm cá tra chỉ nằm khiêm tốn trong không gian rộng thênh thang với đủ loại thủy sản của nhiều nước. Từ đó mới thấy cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với nhiều loại thủy sản khác. Nhưng theo tôi, nếu chủ động, cá tra hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường, khi sản lượng thủy sản đánh bắt xa bờ trên thế giới đang sụt giảm.
Việc tiếp thị, quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam như hiện nay, ông thấy có vấn đề gì không?
Quan sát hầu hết gian hàng thủy sản của các nước khác, tôi thấy họ không chỉ trưng bày hình ảnh và sản phẩm mà còn chú trọng giới thiệu tiêu chuẩn chất lượng thủy sản. Tên các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, SQF, GlobalGAP… được người ta dán to tướng nơi gian hàng quảng bá. Tôi thấy trước nay, mình vẫn áp dụng nuôi cá theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng chưa chú trọng quảng bá các tiêu chuẩn này, trong khi người tiêu dùng thế giới rất coi trọng tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, việc làm này vẫn là khâu sau sản xuất để cho ra sản phẩm (chất lượng hay không). Nếu mình làm không tốt thì không cạnh tranh được với họ. Người tiêu dùng thế giới đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe, nếu mình vi phạm thì họ sẽ không ăn hàng của mình nữa.
Nhà nước cần hỗ trợ người nuôi cá tra tham gia HTX – Ảnh: Ngọc Trinh
Ông thấy hoạt động HTX cá tra hiện nay có hiệu quả?
Quan hệ sản xuất ở nước ta đang kìm hãm lực lượng sản xuất. Ở Hàn Quốc, tất cả các loại hình kinh tế thủy sản đều hoạt động theo mô hình HTX. Khi nông dân làm ra sản phẩm, họ ủy thác cho HTX bán chứ không bán trực tiếp. HTX định giá rồi mời các doanh nghiệp mua theo hình thức đấu giá. Doanh nghiệp nào đưa ra giá cao thì mua được hàng. Hợp đồng ký xong, tiền chuyển vào tài khoản HTX. Chủ nhiệm HTX được hưởng lợi vài phần trăm từ những hợp đồng đó. Người nông dân không phải vất vả tìm đầu ra, cũng không sợ bị ép giá. Đặc biệt, họ muốn làm gì cũng phải vào HTX, vì nếu không thì sản phẩm làm ra chẳng bán được cho ai. Phương thức này có nhiều ưu điểm mà khi ứng dụng nó, nhà nước sẽ quản lý tốt mọi phương diện: hoạch định, tổ chức sản xuất; điều tiết sản lượng, chất lượng hàng hóa, chính sách giá…, và đương nhiên phải kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ.
Nhìn lại Việt Nam, do làm ăn thiếu tổ chức, không chuyên nghiệp, quy hoạch không theo kịp đà phát triển sản xuất của người dân, nên hậu quả thường là nông dân bị quy kết phát triển tràn lan không theo quy hoạch; còn với những quy hoạch được công bố rạch ròi thì lại không hiệu quả.
Vậy cần thay đổi cách thức hoạt động của HTX, thưa ông?
Nhà nước cần quy hoạch vùng nuôi cá tra và hỗ trợ chi phí để người nuôi cùng tham gia HTX. Ban Quản trị (BQT) HTX là người quyết định tất cả các khâu sản xuất, từ chọn lựa tiêu chuẩn, thời điểm thả nuôi, số lượng cụ thể. Trong vùng nuôi rộng lớn, thức ăn được đấu giá công khai, doanh nghiệp nào cung ứng rẻ thì BQT ký hợp đồng. Gần đến kỳ thu hoạch, xã viên giao toàn quyền cho BQT tổ chức đấu giá cá nguyên liệu; doanh nghiệp nào có đủ tiền, trả giá cao thì được mua, chứ không phải cứ đến mua lẻ tẻ rồi ép giá người nuôi, “ngâm” tiền không trả như lâu nay. Chỉ có quy hoạch sản xuất và tổ chức HTX kiểu mới thì người nuôi cá mới có lãi, con cá tra mới phát triển bền vững và nông dân mới giàu lên được. Ngành cá tra phải làm lại từ đầu thì mới phát triển được.
Nghị định 36 đi vào thực hiện sẽ nâng cao chất lượng, cũng như hình ảnh con cá tra?
Nghị định 36 quy định tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước tối đa trong cá tra fillet đông lạnh không quá 83%. Tôi cho đây là việc làm hay và chủ động để từng bước xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam ngày càng chất lượng, an toàn. Trước đây có thời kỳ người ta làm ăn gian dối, mạ băng 30 – 40%, miếng cá rã đông chất lượng quá thấp, gần như không còn gì để ăn. Bây giờ mình phải chấp nhận đau thương trong một vài năm để lấy lại uy tín. Trước khi đi hội chợ quốc tế này, tôi có nói chuyện với một số công ty thì họ nói rằng đó là chuyện tào lao. Đang buôn bán thuận lợi lại làm như vậy chẳng khác nào tự mang gông, lấy thòng lọng siết cổ mình. Đó là cách nhìn thiển cận. Nếu còn những doanh nghiệp giữ cách suy nghĩ, cách làm ăn như vậy thì rất khó cho cá tra Việt Nam sau này. Khi cá tra có chất lượng, việc quảng bá thương hiệu chỉ là vấn đề thời gian.
Hiệp định FTA được ký hết, ông có nghĩ cá tra Việt Nam sẽ nhiều hy vọng?
Hy vọng thì nhiều, song cũng không ít nỗi lo. Liệu thị trường có nhu cầu không? Hay doanh nghiệp lại tranh mua tranh bán, dẫn đến hạ giá thành sản phẩm? Vì vậy, Nhà nước cần quy hoạch vùng nuôi, quản lý ngành cá tra, cần có chính sách hỗ trợ, bảo vệ người nuôi…; tránh tình trạng thả lỏng, mạnh ai nấy làm.
>> Nhằm nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời hỗ trợ cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá, dự án “Quản lý bùn thải trong ao nuôi cá tra” – SUPA đã đưa doanh nghiệp và nông dân đến Hội chợ thủy sản toàn cầu 2015 (SEG) lần thứ 23 (21 – 23/4/2015) tại Brussels (Bỉ), để giới thiệu với người tiêu dùng thế giới về việc phát triển theo hướng bền vững của cá tra Việt Nam. Gian hàng SUPA gồm 6 doanh nghiệp và một đại diện người nuôi cá là ông Nguyễn Hữu Nguyên. |