Sáng 21/8, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị “Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL”, với sự tham dự của đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các ban ngành liên quan. Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám, ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đồng chủ trì.
Hội nghị tập trung vào hai nội dung chính là đánh giá, tổng kết tình hình nuôi trồng, tiêu thụ cá tra 7 tháng đầu năm, những giải pháp kiến nghị cho những tháng cuối năm. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các đại biểu cho Dự thảo “Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” trình Bộ NN&PTNT trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 7/2013, toàn vùng ĐBSCL có 132 cơ sở sản xuất cá bột, với hơn 4.000 hộ ương cá giống trên hơn 2.250 ha, sản lượng khoảng 1,82 tỷ con, tập trung tại Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang. Giá cá thương phẩm dao động 17.000 – 21.000 đồng/kg, thấp hơn 3.000 – 4.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2012. Viện Nghiên cứu NTTS II đã cung cấp 101.000 cá tra bố mẹ hậu bị, theo đó, 4 cơ sở sản xuất cá giống tại Bến Tre đã tiến hành sản xuất cá giống, tỷ lệ sống cao, phát triển nhanh. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người nuôi khá lỏng lẻo, hiện tượng nhiều doanh nghiệp chế biến kéo dài thời gian trả tiền mua cá cho người nuôi khá phổ biến. Vấn đề quy hoạch còn nhiều bất cập, phát sinh vùng nuôi cá ngoài quy hoạch vẫn còn cao, giá vật tư đầu vào tăng, chuỗi liên kết trong sản xuất chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Tính đến hết tháng 7, toàn vùng ĐBSCL sản xuất khoảng 1,82 tỷ con cá tra giống – Ảnh: LHV
Về vốn vay của ngân hàng đối với doanh nghiệp, người nuôi cá tra tại ĐBSCL cho thấy, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước có nhiều văn bản chỉ đạo hỗ trợ vốn cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản, dư nợ cho vay ngành cá tra tính đến cuối tháng 7/2013 là 22.909 tỷ đồng, tăng 0,58% so cùng kỳ 2012, chiếm gần 65% tổng dư nợ toàn ngành thủy sản. Cần Thơ dẫn đầu cả nước về hoạt động cho vay nuôi trồng, thu mua chế biến cá tra, với 6.399 tỷ đồng, tăng 8,16%, và chiếm 28,21% tổng dư nợ cho vay cá tra toàn vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thông qua Dự thảo “Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra”, với 5 chương, 15 điều, tập trung vào việc quy định rõ về nuôi, chế biến cá tra (quy hoạch, điều kiện cơ sở, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm) và xuất khẩu sản phẩm cá tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện và vai trò các bên liên quan. Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của bản dự thảo lần này, đặc biệt là về phía các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra. Đại diện Công ty CP Vĩnh Hoàn cho rằng, việc đề ra giá sàn, các doanh nghiệp tự điều tiết với nhau, thực hiện nghiêm quy định, tránh cạnh tranh không lành mạnh, và họ chính là những người kiểm soát giá thành theo nhu cầu của thị trường. Sự điều chỉnh giá thành cũng cần thực hiện dần dần và phải căn cứ vào thực tế thị trường. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cũng cho rằng, cần cân đối cung cầu, kiểm soát tổng cung là điều cần làm ngay hiện nay. Tăng sản lượng cần phù hợp với nhu cầu của thị trường, cần chú trọng tới hiệu quả chứ không phải là sản lượng, cần áp cota cho từng tỉnh. Điều quan trọng là quy hoạch, thực hiện quy hoạch như thế nào. Do đó, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cần có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định, thị trường xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn do cung – cầu không ổn định, không kiểm soát được giá xuất khẩu. Trong khi, sản xuất trong nước còn tồn tại về tín dụng khi chưa giải quyết được nợ xấu, tháo gỡ cho vay có hiệu quả; Liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, giá thành sản phẩm sụt giảm nghiêm trọng. Trong 7 tháng đầu năm, ngành cá tra cũng có nhiều nỗ lực, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Kế hoạch 5 tháng cuối năm, cần tập trung tổ chức lại xuất khẩu, phát triển, mở rộng thị trường mới như Trung Quốc, Đông Âu, Trung Đông; Đồng thời, tiến hành tổ chức lại sản xuất trong nước, đưa ra các giải pháp nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm nguồn cung. Ngân hàng cũng cần hỗ trợ hơn nữa các địa phương về vốn vay, xử lý nợ xấu, cho vay tín dụng đối tượng và minh bạch số liệu giữa các bên liên quan. Bộ cũng tiếp thu, ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, ban, ngành về Nghị định cá tra, để có điều chỉnh phù hợp và trình Chính phủ trong tháng 10/2013, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh ngành cá tra phát triển.