Chính phủ đã thông qua gói cứu trợ 9.000 tỉ đồng cho ngành cá tra (cả doanh nghiệp và nông dân nuôi cá). Nhờ đó giá cá nguyên liệu có nhích lên một chút. Nhưng người nuôi cá đến nay vẫn chưa tiếp cận được vốn; doanh nghiệp vẫn phải hoạt động cầm chừng.
Có “phao” 9.000 tỷ vẫn chưa đủ
Sau khi có tin Chính phủ hỗ trợ gói tín dụng 9.000 tỉ đồng cứu cá tra cùng nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu trong nước đã tăng từ 18.500 – 19.000 lên 20.000 – 20.500 đồng/kg, rồi nay 22.000 – 22.500 đồng/kg (tăng khoảng 4.000 đồng/kg), nhưng vẫn chưa giúp người nuôi có lãi, sau thời gian dài giá cá tra xuống quá thấp. Tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, với giá bán như hiện nay, người nuôi cá vẫn lỗ 2.000 – 4.000 đồng/kg. Giá cá tra có tăng nhẹ nhưng vẫn chưa đủ kích thích người dân thả nuôi trở lại vì giá vẫn nằm trong ngưỡng lỗ và nhiều hộ nuôi vẫn treo ao.
Vốn hỗ trợ đến mà chưa đến
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Chính phủ đã có quyết định thông qua gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng, nhằm cứu ngành cá tra vượt qua khó khăn hiện nay (gồm cả DN và nông dân nuôi cá); nhưng người nuôi cá vẫn chưa tiếp cận được, bởi vướng nhiều quy định khắt khe hơn trước, trong thẩm định cho vay.
Giá cá tra đang tăng mạnh so với 1 tháng trước nhưng người nuôi vẫn lỗ
Một DN xuất khẩu cá tra ở An Giang cho biết: từ khi có quy định giám đốc ngân hàng phải chịu trách nhiệm về khoản nợ do mình thẩm định cho vay trên địa bàn do mình quản lý (tỉnh, thành phố), hầu hết các ngân hàng đều làm rất căng. “Trước đây với 2-4 ha mặt nước nuôi cá tra có thể vay được cả tỉ đồng, nay cao lắm cũng chỉ 400 triệu”.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, ngân hàng cho DN vay với lãi suất 11,4%/năm nhưng chỉ trong 4 tháng, nhiều DN không mấy quan tâm gói hỗ trợ này. Với tình hình xuất khẩu cá tra ì ạch như hiện nay, DN nào sắp “hết hơi” mới chấp nhận điều kiện vay đó.
Mất cân đối
Diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL liên tục mở rộng, đến năm 2012 đã tăng 5 lần, sản lượng cá nguyên liệu tăng gấp 36 lần, sản lượng chế biến xuất khẩu tăng 40 lần, so với năm 2001. Theo một số hiệp hội thủy sản địa phương, cá tra bị đẩy vào tình cảnh thừa nguyên liệu còn do Nhà nước chưa thể hiện hết vai trò hỗ trợ, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết dọc của ngành. Hiện, liên kết giữa DN và người nuôi mới đạt 30% diện tích, với sản lượng 50 – 60% nhu cầu chế biến của từng DN. Như vậy, còn 60 – 70% sản lượng do người nuôi tự quyết định thời điểm thả giống và thả đồng loạt, nên thu hoạch vào tháng 6 – 7, đúng chu kỳ thu hoạch của nhiều DN. Cá quá lứa, DN không mua, nông dân lỗ. Đó là những năm tăng trưởng nóng, còn 2 năm gần đây diện tích nuôi giảm, người nuôi có lúc bán cá nguyên liệu dưới giá thành.
Hiện, đầu tư nuôi 1 ha cá tra nguyên liệu, người nuôi phải bỏ ra 8 – 10 tỉ đồng; 100% vốn này được vay từ ngân hàng thương mại, nên chỉ cần lãi suất tăng, giá thức ăn tăng, đầu ra không thuận lợi cũng đủ khiến người nuôi bị thua lỗ. Chưa kể chất lượng con giống còn nhiều yếu kém (hao hụt 30 – 40%), rủi ro từ dịch bệnh tăng.
DN chế biến cũng khó khăn không kém; một số phải hạ giá bán để giải phóng hàng, trả lãi vay. Nhưng cũng có một số DN lợi dụng thị trường thấp điểm đã ép giá mua hoặc mua trả chậm để chiếm dụng vốn. Lòng tin giữa người nuôi cá và DN đã giảm nhiều…
Bao vướng mắc chưa được tháo gỡ như thế đang đe dọa vị thế ngành cá tra.
>> Bà Mai Thị Ánh Tuyết – Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết: Hiện, cả nông dân và DN đều không tiếp cận được vốn vay. Nếu gói hỗ trợ kèm theo điều kiện “thế chấp tiếp” thì cả nông dân và DN đều… chào thua. |