Sau 1 năm triển khai Nghị định 36, vẫn còn đó nhiều băn khoăn, khi người nuôi cá tra chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn, bế tắc; cá tra vẫn chưa lấy lại được vị thế vốn có của mình.
Người nuôi chán nản
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thới An nuôi cá tra lừng danh ở quận Ô Môn (Cần Thơ), khi được hỏi về con cá tra, đã chán nản: “Không muốn nói nữa”. Ông giải thích, những năm qua nói nhiều mà chưa thấy chuyển biến gì đáng phấn khởi. HTX của ông đón tiếp nhiều quan chức trung ương, từ các bộ đến đoàn thể, cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bao nhiêu tâm huyết được ông và các thành viên HTX “móc ruột nói ra” và cũng được lắng nghe, nhưng “kết quả hầu như chẳng có gì”. Cá tra vẫn bị rẻ rúng, người nuôi cá tra ngày càng khổ. “Mới rồi, có vài cuộc hội thảo của bộ ngành và Quốc hội mời tôi tham luận, tôi từ chối hết, vì nói hoài cũng vậy thôi”, ông Hải thở dài.
Mới đây, ông Hồ Hữu Trí (1/4, ấp Thuận Thới, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) có vùng nuôi cá tra ở các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng NN&PTNT. Bức thư tâm huyết bày tỏ sự lo lắng về hiệu quả Nghị định 36. Theo ông, Nghị định 36 ra đời đáp ứng niềm mong đợi của những người nuôi cá tra như ông, đó là chất lượng cá tra sẽ được nâng lên, uy tín sản phẩm cá tra được phục hồi, một sản phẩm chiến lược quốc gia lại có vị trí xứng đáng trên thị trường.
Người nuôi cá tra thua lỗ ngày càng nhiều – Ảnh: Nguyễn Chi
Thế nhưng, ngày 28/10, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp góp ý sửa đổi Nghị định 36, trong đó đề nghị sửa quy định chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến. Thư viết: “Sản phẩm cá tra, thay vì áp dụng vào ngày 1/1/2016 phải thực hiện mạ băng không quá 10%, hàm lượng nước không quá 83%; nay sửa đổi cho mạ băng 20% và hàm lượng nước 86% vô thời hạn. Cho hàm lượng nước 86% đồng nghĩa cho bơm nước vào cá fillet (quay tăng trọng) 40%. Cộng với mạ băng 20% nữa là tổng cộng cho nước vào sản phẩm xuất khẩu 60%. Như vậy, phần cá xuất khẩu chỉ còn 40%. Đây là một nghịch lí, gây thiệt thòi cho người nuôi cá như chúng tôi”.
Lá thư đặt câu hỏi: “Bộ NN&PTNT quy định cho chúng tôi nuôi cá tra phải theo VietGAP để đảm bảo chất lượng nhưng lại cho doanh nghiệp chế biến đưa nước vào cá 40%, làm kém đi chất lượng cá. Cho nước vào 60% sản phẩm xuất khẩu là hành vi lừa dối người tiêu dùng, vì sau khi xả đông ra thì 1 kg chỉ còn 0,4 kg cá, chất lượng cá còn kém đi (thịt bở, lạt…), rồi một thời gian nữa ai mua cá tra Việt Nam?”.
Khó khăn chuỗi
Ở tỉnh An Giang, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mới thực hiện được một chuỗi liên kết ngành dọc xoay quanh Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco). Đây cũng là chuỗi liên kết thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL, có 18 thành viên gồm nhà máy chế biến, người nuôi cá, sản xuất giống, dịch vụ thức ăn và thuốc thú y.
Khi thành lập chuỗi, Tafishco ký hợp đồng với các thành viên trong chuỗi. Qua thực hiện, cá tra nguyên liệu được nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên không dư lượng kháng sinh, đảm bảo giá cao hơn thị trường 100 – 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mới có 8 thành viên nuôi cá tra tham gia chuỗi, con số còn nhỏ bé. Bên cạnh, Tafishco thừa nhận: “Mặc dù có hợp đồng ký kết giữa hộ nuôi với Tafishco nhưng cũng xuất hiện các trường hợp như: các hộ nuôi bán cá ra bên ngoài do tranh mua của tư thương hay là tranh cãi trong quá trình kiểm tra dư lượng kháng sinh trong sản phẩm cá”.
Ở tỉnh Đồng Tháp, Công ty TNHH Thủy sản Phát Triển (Fatifishco) ở cụm công nghiệp Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) là một trong những doanh nghiệp điển hình thực hiện liên kết với người nuôi. Có nhà máy chế biến cá tra công suất 180 tấn nguyên liệu/ngày, vùng nuôi 110 ha, Công ty còn thực hiện hai hình thức liên kết với người nuôi để tạo thêm nguồn nguyên liệu. Đó là, Công ty đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng, con giống, thức ăn, thuốc; người nuôi chỉ lo nuôi cá; lợi nhuận Fatifishco hưởng 80%, còn lại người nuôi. Hình thức thứ hai là thông tin nhu cầu hằng tháng với người nuôi và đặt kế hoạch mua cá tra nguyên liệu. Cả hai hình thức mới có 13 hộ dân với 70 ha nuôi cá.
Ông Nguyễn Văn Phú (ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) có 2,8 ha cá tra, trước đây nuôi gia công cho Công ty Hùng Vương, từ năm 2010 liên kết với Công ty CP Thức ăn Sao Mai. Theo ông, liên kết có cái lợi là người nuôi không lo về vốn, đầu vào, đầu ra mà an tâm lo đảm bảo chất lượng cá đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, qua nhiều năm liên kết với doanh nghiệp, ông cũng thấy các điều khoản hợp đồng còn thiên về bảo vệ doanh nghiệp, chưa coi trọng lợi ích người nuôi cá.
>> Ông Nguyễn Văn Phú: “Các điều khoản ghi trong hợp đồng thường có lợi cho doanh nghiệp, như có quyền hủy hợp đồng, có quyền không nhận nguyên liệu khi bị ứ đọng, cá quá lứa làm tăng hệ số thức ăn, thời gian chi trả lợi nhuận thường bị kéo dài hơn so với hợp đồng đã ký…; người nuôi thì không có quyền hủy hợp đồng, luôn ở thế yếu và bị động so với doanh nghiệp”. |