Ngày 22/12, tại Đại hội toàn thể của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp thuỷ sản cho rằng ngành Thuỷ sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 8,6 tỷ USD, nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù đạt được kết quả khả quan trong năm 2020 nhưng đánh giá tổng thể, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, về nội tại, thiếu nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chưa hợp lý, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành còn hạn chế, đặc biệt là trong nhóm hải sản. Quy mô của ngành chưa tương xứng với tiềm năng thực tế.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp và chuỗi sản xuất bị suy yếu sau tác động nhiều tháng “đứt sản xuất, đứt dòng tiền, đứt khách hàng” của đại dịch covid-19.
Về khách quan, hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng sang những năm tiếp theo, tăng trưởng GDP có khả năng ảm đạm tới năm 2022-2023. Bên cạnh đó, các rào cản như thuế chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu sẽ được chấm dứt sớm. Việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU đang gặp không ít khó khăn khó có thể giải quyết nhanh một sớm một chiều. Thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng với nhu cầu nhập khẩu thủy sản ngày càng tăng, nhưng đồng thời sẽ siết chặt kiểm tra thủy sản nhập khẩu cũng là trở ngại lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.
Chế biến thuỷ sản xuất khẩu tại Công ty Sao Ta
Đứng ở góc độ nhà sản xuất, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phẩm Sao Ta chia sẻ, mặc dù tín hiệu thị trường lạc quan hơn năm 2020 nhưng năm 2021 chắc chắc sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn, chưa thể phục hồi trong vài năm tới. Hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam nói chung, ngành tôm nói riêng đã bắt đầu xuất hiện các khó khăn mới do thiếu nguyên liệu chế biến, năng suất lao động thấp dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, xu hướng của các thị trường nhập khẩu sẽ ngày càng quan tâm đến chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm, yêu cầu ngày càng cao đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất bền vững, đảo bảo các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường và an sinh xã hội cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp và hiệp hội phải có phương án giải quyết trong thòi gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Uỷ ban Hải sản, doanh số xuất khẩu thuỷ sản sẽ cán mốc 8,6 tỷ USD vào cuối tháng này, trong đó hải sản chiếm 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ và hiện đang vướng IUU.
Trong 3 năm qua, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam phải đối mặt với thẻ vàng IUU, vấn đề ở khâu đánh bắt, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, chính vì thế rất cần sự cam kết của Chính phủ mới giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra, để xử lý IUU triệt để cần làm thêm bước hậu cần sau đánh bắt là các cảng cá. Các doanh nghiệp thuỷ sản mong muốn các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn về cơ sở hạ tầng cảng biển, có hệ thống báo cáo minh bạch…
Theo phân tích của các doanh nghiệp, dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường, cụ thể sức tiêu thụ của các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn đều giảm do yêu cầu giãn cách xã hội, trong khi đó sức mua tại các siêu thị, các kênh bán lẻ phục vụ nấu tại nhà gia tăng.
Trong bối cảnh đó, sản phẩm tôm xuất khẩu với dạng sản phẩm, cách chế biến khác nhau vẫn phù hợp tiêu thụ tại các siêu thị và phân khúc bán lẻ, phục vụ chế biến tại nhà trong những thời điểm giãn cách xã hội nên được tiêu thụ mạnh, trong khi các sản pẩm cá tra xuất khẩu nhắm tới các thị trường chính được tiêu thụ chính cho phân khúc dịch vụ sẽ gặp khó khăn, một số sản phẩm hải sản cũng tương tự như vậy.
Nhật Bản vừa thông qua đạo luật cấm nhập khẩu hải sản đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản, Đạo luật mới này yêu cầu thu thập các hồ sơ về đánh bắt và vận chuyển để nộp lên cơ quan Chính phủ nhằm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thuỷ sản. Đối với hải sản nhập khẩu, phải có giấy chứng nhận khai thác hợp pháp từ Chính phủ của nước ngoài. Đạo luật mới có tên gọi là Đạo luật thương mại nội địa các động vật và thực vật biển. Mặc dù đã được thông qua nhưng đạo luật này còn phải trải qua nhiều lần lấy ý kiến góp ý bổ sung của các lãnh đạo trong vòng 2 năm tới.
Ngoài ra, một số điểm trong đạo luật vẫn còn đang được xem xét như: việc lựa chọn các loài quy định dựa trên tiêu chí công bằng và rõ ràng, giảm bớt khối lượng công việc của người điều hành, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc thông qua điện tử hoá dữ liệu, và hợp tác với các quốc gia khác về khả năng chứng nhận của quốc gia.