Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT chủ trì với sự phối hợp của Bộ Công thương, đồng hành của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng nông sản Việt Nam năm 2019”; với sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Toàn cảnh Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng nông sản Việt Nam năm 2019”
Năm 2019, ngành nông nghiệp được nhận diện là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức; trong đó, phải kể đến là việc nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn; những tác động từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh; thị trường nông sản còn nhiều rào cản; các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… lại gia tăng bảo hộ hàng hóa thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng ATTP…
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chưa cao, chưa tiếp cận được hệ thống phân phối tại nước ngoài, chưa tập trung phát triển thương hiệu tập thể… đó là những lý do khiến 70 – 80% nông sản Việt xuất khẩu nhưng không được mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt… Còn theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (bộ NN&PTNT), nông sản Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh lớn từ thị trường, gia tăng bảo hộ mậu dịch, những xung đột thương mại và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để đạt mục tiêu kim ngạch 43 tỷ USD trong năm nay, cần phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh sang nhiều thị trường xuất khẩu; tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA; tăng cường gỡ rào cản về kỹ thuật và thương mại; chủ động ứng phó với những biến động của thị trường…
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam cần lựa chọn rõ lợi thế sản phẩm nông sản ở 3 cấp (chủ lực quốc gia, cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản); xuất phát từ yếu tố nhu cầu thị trường để cung cấp; lấy việc thích ứng biến đổi khí hậu làm trọng, biến thách thức thành cơ hội, lựa chọn đối tượng phát triển hợp lý; ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực, các doanh nghiệp nông nghiệp lớn cũng cần phải có viện nghiên cứu để ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn.