Theo đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu theo đúng kế hoạch 42 tỷ USD trong năm 2020 là thách thức rất lớn, ngành nông nghiệp cần có những giải pháp toàn diện để ứng phó với rất nhiều khó khăn như hiện nay.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm…; để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ cần tập trung hỗ trợ để giải quyết các nút thắt cho phát triển sản xuất, duy trì thương mại nông sản trong quý II để chờ đà phục hồi vào quý III/2020. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phải được hỗ trợ tín dụng để tăng tốc sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và một số thị trường khác. Gói tín dụng tuy có lãi suất thấp nhưng cũng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch COVID-19 suy giảm.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả gói tín dụng 285.000 tỷ đồng đối phó COVID-19, trong đó có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, HTX, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay), tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, triển khai chính sách ưu đãi lãi vay đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến nông sản để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông, lâm, thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh biên giới tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc…
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch cho thị trường.
Năm 2020, ngành nông nghiệp dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đạt 10%, thị trường ASEAN 9%, thị trường khác cũng phải tăng 9% để bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ, EU.