(TSVN) – Chiều ngày 02/4/2024, nhân dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành thủy sản, Cục Thủy sản tổ chức diễn đàn rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản năm 2024. Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì Diễn đàn.
Báo cáo tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Cục Thủy sản), cho biết, ngành thủy sản vừa phát sinh rác thải nhựa vừa chịu tác động của rác thải nhựa. Triển khai Quyết định 687/QĐ-BNN-TCTS, ngành thủy sản đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung nâng cao nhận thức của các bên liên quan về việc giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản; Giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần; Nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản; 100% khu bảo tồn biển xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa; Xây dựng cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.
“Trong thời gian qua, việc triển khai quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản tại một số tỉnh, thành đã đạt những kết quả ấn tượng. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy chuẩn địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn. Áp dụng cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản lợ, mặn bằng lồng bè, giàn bè có sử dụng phao nổi trên địa bàn tỉnh; Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phao nổi, vật liệu làm phao nổi trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài để phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bình Định ban hành Quyết định về quy trình kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương của tàu cá trong chuyến biển trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các tàu có chiều dài từ 15 m trở lên tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan bắt buộc phải thu gom và khai báo về chất thải nhựa sử dụng trong mỗi chuyến biển; đồng thời khuyến khích hoạt động này đối với tàu cá có chiều dài từ 12 – 15 m, bà Dung cho biết thêm.
Tàu cá Bình Định thực hiện đưa rác thải nhựa về bờ. Ảnh: ST.
Tại Diễn đàn lần này, đã có nhiều tham luận, ý kiến chia sẻ của các đại biểu về tình hình rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam hiện nay nói chung cũng như kết quả của hành động quản lý rác thải nhựa tại các địa phương, các tổ chức phi chính phủ.
Đại diện Cục Biển và Hải đảo chia sẻ, ô nhiễm nhựa đang là thách thức toàn cầu, hiện vẫn chưa có được một giải pháp chung cho vấn đề này. Trong quá trình thực hiện tôi thấy có sự khác nhau về quản lý rác thải nhựa đại dương giữa các nước, giữa các nước phát triển, đang phát triển, các nước sản xuất dầu mỏ. Tại Việt Nam, việc quản lý rác thải nhựa hiện vẫn gặp nhiều thách thức, chúng ta thiếu số liệu nền nhất là số liệu về thành phần rác thải nhựa…
Là một tỉnh trọng điểm trong thực hiện quản lý rác thải nhựa đại dương, đại diện Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết: Thời gian qua, tỉnh thực hiện dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ. Dự án thí điểm khoảng 100 tàu cá và mở rộng khoảng 100 tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn, thực hiện trong 1 năm, bắt đầu từ tháng 11/2023. Qua 3 tháng triển khai mô hình, đã có 77 tàu mang về bờ 430 kg rác thải nhựa (chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt, bao bì thực phẩm…); Nhận thức cộng đồng được nâng cao qua các lớp tuyên truyền, tập huấn, báo, đài, pano, tờ rơi. Cùng đó, Bình Định cũng trở thành địa phương đầu tiên ban hành quy trình quản lý rác thải nhựa tàu cá. Mô hình sẽ được duy trì tính bền vững, tiếp tục triển khai và mở rộng trên địa bàn tỉnh cho khoảng 3.000 tàu cá xa bờ.
Quảng Ninh là tỉnh được đánh giá rất cao việc thực hiện quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định. Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, chúng ta hiện đã có kế hoạch bài bản, nhưng số liệu rất ít, gần như không có. Theo tôi, cần thống nhất xây dựng khung pháp lý đồng bộ từ trung ương.
Phát biểu tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, cho biết: Bên cạnh sự tăng trưởng nhanh và phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong sản xuất, xuất khẩu và cung ứng hàng hóa nội địa, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề môi trường. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng, thể hiện thông qua nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương như: Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương, 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; và đến năm 2030 có 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương được giảm thiểu, 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.
“Rác thải nhựa đại dương là một vấn đề môi trường nóng của Việt Nam hiện nay, do đó ngành thủy sản đã và đang có nhiều hành động thiết thực trong quản lý, nhằm chung tay giảm các tác động của nhựa tới môi trường”, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Thu Hồng