Các chuyên gia thủy sản tại Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) đều lạc quan ngành tôm sẽ phục hồi rõ rệt trong năm 2016 – 2017 với sức tăng trưởng 7%/năm; sản lượng ước 4,8 triệu tấn vào năm 2017, trừ khi một loại dịch bệnh mới xảy ra và nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà khoa học.
Châu Á – không ổn định
Năm 2017, Indonesia là quốc gia có ngành tôm được kỳ vọng nhiều nhất về mức độ gia tăng sản lượng lên 850.000 tấn, tỷ lệ tăng trưởng 24% trong giai đoạn 2013 – 2017. Ngoài ra, ngành tôm Ấn Độ cũng ghi nhận dự báo khả quan vào năm 2017 khi sản lượng tăng từ 290.000 tấn (2013) lên 430.000 tấn (2017). Lượng tôm nuôi thu hoạch tại Việt Nam năm 2014 ở mức cao 669.000 tấn nhưng ngành tôm năm 2015 cũng gặp khó do dịch bệnh và giá tôm thế giới lao dốc. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo ngành tôm Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2017.
Sự phục hồi sau đại dịch EMS không đồng đều. 2013 được đánh giá là năm tồi tệ nhất của ngành tôm Trung Quốc khi sản lượng chỉ 1,3 triệu tấn, tới năm 2015, ngành tôm vẫn chịu tác động lớn do dịch bệnh và hiện tượng biến đổi thời tiết. Ngành tôm Thái Lan cũng lao dốc nhanh, sản lượng giảm từ 611.000 tấn năm 2011 còn 217.000 tấn năm 2014 (giảm 65% trong 3 năm).
Mỹ Latinh – tăng trưởng chậm
Tại Mỹ Latinh, Mexico là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh EMS vào năm 2013. Theo GAA, sản lượng tôm nuôi của Mexico đã suy giảm từ 100.000 tấn năm 2013 xuống 52.000 tấn năm 2013. Năm 2014, sản lượng tôm phục hồi nhẹ và kỳ vọng năm 2017 sẽ quay về mốc cũ 100.000 tấn.
Costa Rica và Colombia là những quốc gia có ngành tôm được kỳ vọng tăng trưởng cao trong tương lai gần. Đáng chú ý nhất là ngành tôm Ecuador được dự báo sẽ tăng sản lượng từ 300.000 tấn (năm 2013) lên 370.000 tấn (năm 2017). Hiện, Ecuador đang nhắm tới thị trường châu Á và châu Âu do lượng hàng xuất khẩu sang Đông Nam Á đang giảm dần. Sản lượng tôm Brazil năm 2017 đạt 85.000 tấn, trong đó, Honduras, Nicaragua và Venezuela chỉ đạt con số khiêm tốn 30.000 tấn. Theo số liệu của FAO, sản lượng tôm của Honduras năm 2013 xấp xỉ 50.000 tấn nhưng giảm mạnh trong năm 2014 do hạn hán kéo dài. Nhìn chung, sản lượng tôm Mỹ Latinh tăng trưởng 5,5%/năm, từ 2013 – 2017.
Sản phẩm giá trị gia tăng lên ngôi
GOAL cũng tiến hành khảo sát đánh giá chủng loại sản phẩm và kích cỡ có xu hướng được thị trường ưa chuộng nhất. Gần đây lượng tôm he tiêu thụ tại châu Á tăng cao, chủ yếu dưới dạng sản phẩm giá trị gia tăng như tôm chín tẩm bột. Trong khi, tôm he không đầu hay bỏ đầu chỉ chiếm 25% sản lượng. Sự thay đổi này phần lớn do tác động từ thói quen tiêu dùng của thị trường Trung Quốc khi đồng loạt chuyển sang tiêu thụ tôm he đã qua chế biến.
Ngành tôm châu Mỹ Latinh cũng đang dần chuyển hướng sang tôm he. Tôm nguyên đầu đang trở thành sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Mặt hàng này chiếm 53% tổng sản lượng tôm năm 2007 nhưng tới năm 2014 giảm xuống còn 24% do một lượng lớn mặt hàng tôm Ecuador được vận chuyển sang thị trường châu Á.
Thị trường châu Á cũng dần chuyển hướng tiêu dùng các sản phẩm tôm cỡ nhỏ (dưới 51 – 60 con/kg) từ năm 2010 do giá tôm cỡ nhỏ và tôm cỡ lớn chênh lệch nhau.
Đề phòng dịch bệnh
Dịch bệnh tiếp tục được cảnh báo là thách thức lớn nhất với ngành tôm. Ngoài ra, chất lượng và nguồn cung tôm giống, tôm bố mẹ sạch bệnh cũng đang là vấn đề được quan tâm. Tiếp đến là giá tôm trên thị trường quốc tế và cuối cùng là chi phí thức ăn chăn nuôi.
Nhận thức về hiểm họa dịch bệnh đã thay đổi đáng kể trong 8 năm trở lại đây. Theo khảo sát GAA năm 2007, dịch bệnh không phải là một trong ba thách thức lớn với ngành tôm châu Á và Mỹ Latinh vì những nhà sản xuất chỉ quan tâm tới chi phí thức ăn, giá cả thị trường và rào cản thương mại. Tới khi dịch bệnh EMS phá hủy ngành tôm nhiều quốc gia, họ mới thay đổi cách nhìn nhận về mối nguy hại này.
Tuy vậy, các nhà sản xuất tôm tại châu Á và Mỹ Latinh đều chung nhận định các yếu tố kinh tế sẽ duy trì ổn định trong năm 2016 và kỳ vọng thị trường tôm toàn cầu sẽ được củng cố mạnh hơn trong năm nay.
>> Sản lượng tôm Ấn Độ năm 2016 cũng có tác động lớn tới thị trường tôm thế giới, tuy nhiên lũ lụt và thời tiết khắc nghiệt gần đây đang làm biến động nguồn cung tôm của nước này. Dự báo sản lượng tôm nước này chỉ tăng nhẹ so với năm 2015 do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá nguyên liệu thấp; 6 tháng cuối năm 2016, sản lượng tôm nước này có thể tăng nếu người nuôi coi đây là lý do để mở rộng diện tích nuôi. |