Nuôi thâm canh nhiều giai đoạn, năng suất cao và có nguồn vốn tín dụng là một trong những giải pháp giúp hạ nhiệt chi phí, giảm giá thành sản xuất tôm. Đầu vào cao, thành công thấp Với tỷ lệ 70-80% là hộ nuôi nhỏ lẻ và mức độ hợp tác, liên kết sản […]
Nuôi thâm canh nhiều giai đoạn, năng suất cao và có nguồn vốn tín dụng là một trong những giải pháp giúp hạ nhiệt chi phí, giảm giá thành sản xuất tôm.
Với tỷ lệ 70-80% là hộ nuôi nhỏ lẻ và mức độ hợp tác, liên kết sản xuất chưa cao, nên phần đông người nuôi đều không thể mua thức ăn tôm trực tiếp từ nhà sản xuất hay đại lý cấp I, mà phải mua qua đại lý cấp II, thậm chí là cấp III, với mức giá tất nhiên là phải cao hơn so với giá nhà máy. Mức giá này chênh lệch bao nhiêu còn tùy thuộc vào từng địa bàn, vùng nuôi cụ thể và đặc biệt là hình thức mua bán. Nếu người nuôi mua thức ăn tôm hay các loại vật tư đầu vào khác bằng tiền mặt thì mức giá thường cao hơn giá nhà máy khoảng 10-15%. Tuy nhiên, số hộ nuôi nhỏ lẻ mua bằng tiền mặt là không nhiều do hầu hết đang thiếu vốn, nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Do đó, giải pháp khả dĩ nhất để duy trì sinh kế từ nghề nuôi là hợp tác với đại lý, chấp nhận mức giá cao hơn 20-30% so với giá của nhà máy để được đầu tư từ con giống đến thức ăn, chế phẩm sinh học…
Nếu không tính đến chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, thì phần chi phí đắt đỏ nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất trong nuôi tôm phải kể đến là thức ăn tôm. Theo ước tính, phần chi phí này chiếm khoảng 60-65% tổng chi phí của mỗi vụ nuôi. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn tôm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên giá thức ăn tôm nhiều năm qua gần như chỉ có tăng mà không có giảm. Trao đổi với người viết, đại diện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cũng như doanh nghiệp nuôi tôm lớn đều thừa nhận, giá thức ăn tôm ở Việt Nam thời gian qua luôn cao hơn so với các quốc gia nuôi tôm khác. Tuy nhiên, nếu lấy giá xuất xưởng từ các nhà máy thì mức độ chênh lệch của giá thức ăn tôm trong nước cũng không quá cao so với một số nước nuôi tôm khác.
Giá thành tôm nuôi được cấu thành từ 2 yếu tố chính là: chi phí đầu vào và sản lượng tôm thu hoạch qua mỗi vụ nuôi (hay còn gọi là tỷ lệ thành công). Tuy nhiên, do tỷ lệ nuôi thành công chung chỉ ở mức 40% như thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng với đó là chi phí đầu tư cao nên giá thành tôm nuôi của Việt Nam theo ước tính dao động trong khoảng 3,5-4,2 USD/kg. Trong khi đó, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Ecuador trên 90% và Ấn Độ cũng là 60-70%, nên giá thành tôm nuôi của Ecuador bình quân chỉ vào khoảng 2,2-2,4 USD/kg, còn giá thành tôm nuôi Ấn Độ cũng chỉ quanh mức 2,7-3 USD/kg. Đây là điều khiến cho cả người nuôi, nhà chế biến, nhà quản lý đều âu lo, bởi nó làm cho việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn, tính cạnh tranh ngày một giảm sút hơn.
Chi phí và giá thành sản xuất tôm phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố đầu vào (giống, vốn, lao động, khoa học kỹ thuật, thủy lợi, môi trường, thức ăn…) và tỷ lệ thành công. Yếu tố đầu vào có thể tăng do tác động từ thị trường nhưng vấn đề quan trọng là phải luôn đảm bảo được chất lượng, hiệu quả, bởi nếu không sẽ làm tăng chi phí, nhưng hiệu quả sản xuất thì không tăng tương ứng. Các mắc xích còn lại chuỗi giá trị con tôm cũng đã xác định, nguyên nhân chính làm cho giá tôm Việt Nam đội giá so với giá tôm thế giới là do tỷ lệ tôm nuôi thành công của ta thấp, chứ không phải ở chi phí đầu vào. Điều này đã được ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nêu ra tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn về giải pháp phát triển kinh tế – xã hội đất nước, vào ngày 21-9 vừa qua. Do đó, muốn giảm giá thành, theo ông Quang cần có giải pháp tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần có một giải pháp đồng bộ cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị tôm nuôi, từ chất lượng, giá cả vật tư đầu vào cho đến đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi… đặc biệt là nguồn vốn tín dụng.
Việc tăng tỷ lệ thành công không chỉ giúp giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người nuôi, mà còn giúp tăng tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cần đảm bảo 2 yếu tố cơ bản là: có con giống đảm bảo chất lượng và nguồn nước sạch. Ông Phục khẳng định: “Nếu đảm bảo được 2 yếu tố con giống và nguồn nước, tôi tin chắc rằng tỷ lệ thành công sẽ được nâng lên, giá thành tôm nuôi đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, kể cả với tôm giá rẻ của Ecuador”. Còn theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, để hạ nhiệt chi phí sản xuất tôm hiện nay, điều cần làm trước tiên là tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác gắn với liên kết chuỗi sản xuất và điều tiết thị trường để người nuôi tôm tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, các sản phẩm đầu vào với mức giá và lãi suất phù hợp.
Bài, ảnh: Hoàng Nhã
Nguồn: Báo Cần Thơ