Cứ chiều 26 Tết, các thuyền trưởng trên huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) lại hè nhau khiêng lợn vào đình cúng tạ ơn và gửi gắm những ước nguyện về biển. Nhân dịp này, chủ lăng cũng bái tạ tứ linh, chuẩn bị lễ đua thuyền đầu năm. Lăng thờ trên đảo Lý Sơn là chỗ dựa tâm linh cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Lăng thờ ngày xuân
Tại lăng Vĩnh Hòa sát biển, ông Dương Hậu kính cẩn quỳ lạy thần Nam Hải Đại tướng quân. Sau lễ cúng, ông Hậu đội lễ đến mời ông Lê Ngọc Thành chủ lân và ông Nguyễn Út tri lăng lân. Theo nhiều vị cao niên, các lăng ở Lý Sơn đều rất linh thiêng, rất nhiều người đến nguyện cầu trong ngày xuân và đạt ý nguyện. Lăng trở thành chỗ dựa tinh thần cho người dân đảo. Khi thấy con cháu đi biển mắc bão chưa vào bờ, các cụ già và vợ con ngư dân lại đến lăng cầu xin. Lăng là chốn linh thiêng để người dân nơi đây liên thông với các bậc thần linh biển cả và gửi lời nguyện cầu cho con thuyền bình an trở về.
Cách lăng Vĩnh Hòa không xa, tại xã An Hải, lăng Thuận An cũng làm lễ dịp cận Tết. Thầy Đinh Thắng dùng cành lá vẩy nước phép lên chiếc thuyền Quy dài gần 14 mét. Ông Mai Văn Tấn, trưởng xóm Trung Yên, tay ôm bàn trầu cau lặng lẽ bước theo thầy. Ông Tấn cho biết, đây là lễ phạt mộc để thưa với ông bà việc hạ thủy thuyền Quy tham dự cuộc đua cho làng chài sáng mùng 4 Tết.
Mâm cúng ông bà tại đình – Ảnh: Lê Văn Chương
Trong buổi lễ, chủ lăng phải chuẩn bị bát rượu pha lẫn nước dừa để rắc lên thuyền. Thầy Đinh Thắng đọc lời phù chú: “phù qua linh tế vật/độ nhơn chi phát/phù mía giả…”. Lời phú chú hòa cùng tiếng sóng biển. Những cơn gió bất thần từ biển quật ào ào trên tán bàng vuông như ai đó thác đi thác về trong chốn hư vô. Thầy Thắng giải thích, lời phù chú dân gian đó hàm nghĩa phù cho con thuyền bình an, mùa màng thuận lợi; khi thuyền đua thì mong đoạt giải, thánh thần hiển linh về nhập vào cốt thuyền.
Năm mới đại lợi
Theo phong tục ở Lý Sơn, trong ngày xuân, 4 ông thuyền Long, Lân, Quy, Phụng sẽ bơi đua, chiếc nào thắng thì ứng điềm báo số phận cả vạn chài. Ông Lê Ngọc Thành, chủ lăng Vĩnh Hòa khẳng định: Năm nào thuyền Vĩnh Hòa thắng cuộc, năm đó ứng với sự kiện lớn.
Lễ đua thuyền tứ linh hàng năm
Đã 75 tuổi nhưng vóc dáng, phong thái, giọng nói của ông tri lăng Vĩnh Hòa – Lê Ngọc Thành vẫn như kình ngư của biển. Chỉ ra biển, ông Thành kể: “Hồi đó sức tôi dữ lắm; nhảy lên ghe đua, tôi bơi gãy chèo. Nhưng ghe Lân có thắng cũng không phải do mình định đoạt hết đâu. Ghe về trước, ghe về sau đều do ý nguyện ông bà báo ứng”.
Cận Tết, tiếng trống dội ra từ khắp các đình làng trên đảo. Theo lệ, cứ mùng một Tết, ông chủ lăng gióng trống gõ chuông cúng, thay mặt con dân trong làng cầu xin các ngài phù trợ cho dân bình an, thuyền bè ra khơi an toàn. Ngày Tết, nghi thức cúng tại lăng diễn ra theo trình tự: Đêm đầu tiên là lễ Yết, mời các vị thánh thần, ông bà, tiền nhân đi lính Hoàng Sa về với con cháu. Trong lễ Yết, dân làng dâng lên các thần nhiều loại sơn hào hải vị. Các lễ diễn ra đêm sau thì tri lăng đặt mâm gà dâng lên các thần. Nếu cúng dịp cuối năm thì tạ các ngài bằng mâm thịt lợn.
Mỗi chủ tàu khi đi biển nguyện điều gì thì cuối năm theo ý nguyện mà làm. Tàu ngư dân thường nguyện “cuối năm chúng tôi cúng ngài con heo” thì cuối năm khiêng heo tới đình. Anh Trung, một ngư dân kể: “Chạy đánh lưới rút thất bại, chạy hoài mà không thấy cá. Vậy là anh em tôi hướng về lăng và nguyện con cháu có mắc lỗi gì thì xá tội. Tiếp đến là nguyện ông phù hộ thì cuối năm sẽ cúng ông hai con heo tạ ơn. Mình nguyện xong thì cá bắt đầu dính lưới. Cuối năm anh em khiêng heo tới đình trả lễ ông bà, phần thịt chia cho cả tàu ăn Tết”.
Gửi lời cầu nguyện
Tại lăng An Hải, ông Nguyễn Điệt đọc lời yết: “Đức ngư trung đẳng vị thần, bộ hạ vị thần, tiền nhân vị thần, hắc nữ vương, trung tá…”. Tiếng ông Điệt lúc trầm lúc bổng. Ngôi đình nằm giáp biển, gió biển thổi vào đình làm lá cờ ngũ sắc tung bay phần phật. Một ngư dân kể: “Mình cứ thỉnh gọi là các ngài về đông đủ với con cháu. Bữa nay trời ấm, mong các ngài về đông đủ rồi hãy trở lại biển”.
Ông Nguyễn Điệt đang gửi gắm tâm nguyện với con thuyền
Trong sâu thẳm tâm tưởng của ngư dân làng chài trên đảo, ông Hoàng Sa vẫn đang hiển linh trở về nghe con cháu báo cáo một năm làm ăn, phù trợ cho tàu bè ra biển bình an.
Cách đây chưa lâu, tàu cá của ông Cân trên đảo gặp nạn, bà con trong bờ chạy loạn vào các đình miếu để lạy các ngài phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Trên tàu có 10 ngư dân thì 9 quyết định dùng dây buộc tay nhau thành chùm, ôm phao nhảy xuống nước, đồng thời khấn nguyện thần biển chở che. Sau đó, họ được cá ông tới dìu vượt qua sóng gió, thoát chết. Khi vào bờ, gia đình 9 ngư dân thoát nạn đã làm mâm cúng tạ 6 con lợn khiêng ra đình mời cả xóm ăn mừng.
Trận bão lớn năm 2008, tàu Nguyễn Lộc (xã An Vĩnh) chở 11 ngư dân chạy về gần đảo thì bỗng biệt tăm. Các đình làng trên đảo rầm rì tiếng trống tiếng chiêng và những lời nguyện cầu của người thân các ngư dân đang trôi dạt đâu đó trong cơn bão giật cấp 12, không biết có cơ may sống sót. Lần đó, ông chủ lăng khoát tay, nói giọng như đang trong cơn mơ màng: “Ngài bảo là người bình an, ba ngày sẽ có tin”. Vậy là bà con nhẹ lòng, trở về nhà mong tin. Chiếc tàu bị nạn, sau khi nương theo gió đã dạt vào bờ biển tỉnh Bình Định. Máy thông tin bị ướt nên mất liên lạc. Ngư dân trên tàu ướt như chuột lội. Khi bão tan, ngư dân trở về đảo, khiêng lợn đến lăng cúng ông bà.
>> Ở đảo Lý Sơn có 8 lăng thờ, cũng là nơi cất giữ thuyền đua tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) của làng. Thông thường, chính điện thờ bà Thiên Y A Na che chở cho những người con ra biển hoặc thờ thần Nam Hải Đại tướng quân, vị thần cứu giúp ngư dân lúc nguy nan trên biển. |