Nghệ an: Đề án 52 tiếp sức công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Từ những kết quả bước đầu đã đạt được trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình trong 2 năm qua, bước sang năm 2011, Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 52 ở địa bàn 36 xã thuộc 4 huyện, thị xã ven biển là Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò, hứa hẹn mang lại nhiều kết quả khả quan.

Khi công tác truyền thông được quan tâm

Là một tỉnh lớn, Nghệ An có tổng diện tích gần 17.000km2, trong đó có 4 huyện,  thị xã ven biển (gồm 36 xã) với dân số 288.121 người, số phụ nữ 15- 49 tuổi là 80.881 người.

Ngay khi mới tiếp nhận và triển khai thực hiện Đề án 52 về kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển, ngành DS – KHHGĐ tỉnh, các huyện, thị xã ở khu vực biển, ven biển ở Nghệ An đã rất chú trọng đến công tác truyền thông, nhằm giúp cho người dân vừa nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác DS – KHHGĐ, vừa góp phần quan trọng thay đổi nhận thức, giúp cộng đồng dân cư ở khu vực này nâng cao nhận thức và có những hành động thiết thực trong việc kiềm chế và kiểm soát nguy cơ gia tăng dân số.

Với tiêu chí công tác truyền thông phải đa dạng, phong phú, phù hợp với từng loại đối tượng khác nhau, từ khi thực hiện Đề án đến nay, Chi cục DS – KHHGĐ Nghệ An, Trung tâm DS – KHHGĐ các huyện, thị xã đã lồng ghép nhiều hình thức truyền thông dân số phù hợp với các đối tượng dân cư, đưa lại nhiều kết quả thiết thực. Nổi bật trong công tác truyền thông thời gian qua là  cuộc thi "Rung chuông vàng" do Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức cho các đối tượng học sinh trung học phổ thông, nhằm trang bị kiến thức chăm sóc SKSS vị thành niên và thanh niên trong các nhà trường ở các huyện, thành phố, thị xã ven biển.

Đề án 52 – cơ hội “vàng” cho công tác DS – KHHGĐ của ngư dân vùng biển, ven biển Nghệ An

Không chỉ ở cấp tỉnh, các huyện, thị xã có các xã, thị trấn nằm ở vùng biển, ven biển thực hiện Đề án cũng đã có nhiều hình thức truyền thông phong phú, đa dạng, đưa lại nhiều kết quả, nổi bật như việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chính sách dân số các kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS/KHHGĐ do  Trung tâm DS – KHHGĐ các 5 huyện, thị xã triển khai. Cuộc thi đã thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng quan trọng để chăm sóc SKSS cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, các mô hình sinh hoạt câu lạc bộ DS – KHHGĐ ở nhiều xã, thị trấn vùng biển, ven biển thực sự thành công. Nổi bật như mô hình “Câu lạc bộ gia đình” ở thị xã Cửa Lò, hay mô hình hỗ trợ phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn tại huyện Quỳnh Lưu… Thông qua việc tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, các mô hình ở cộng đồng dân cư tự nguyện, các cặp vợ chồng vừa có thêm kiến thức chăm sóc SKSS cho bản thân, vừa có thêm kiến thức, kỹ năng hướng dẫn, dạy bảo, tư vấn kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cho con cái họ, nhằm trang bị cho lớp trẻ những tri thức cần thiết về quan hệ hôn nhân để có những cách thức ứng xử hợp lý hơn trong cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh đó, một số kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm, nội soi cổ tử cung, soi tươi, điều trị phụ khoa, khám và chữa bệnh viêm nhiễm đường sinh sản có chất lượng hơn cho chị em phụ nữ vùng biển, ven biển cũng đã được chú trọng thực hiện…

 

Cơ hội “vàng” cho công tác DS – KHHGĐ

Nhờ làm tốt công tác truyền thông, từ năm 2009 đến nay, tại 36 xã ở 4 huyện, thị xã thực hiện Đề án 52 ở Nghệ An công tác DS/KHHGĐ đã thu được một số kết quả nhất định. Trong đó, năm 2010, năm thứ hai thực hiện Đề án, tại 39 xã, thị trấn thuộc 4 huyện, thị xã, 98 lượt cung cấp dịch vụ sinh sản đã được tổ chức; trên 75.000 lượt người được tiếp cận truyền thông và tư vấn về các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho trên 75.200 lượt người; trên 36.000 lượt người được khám phụ khoa, trong đó đã phát hiện và điều trị cho gần 9.000 người mắc các loại bệnh liên quan.

Cũng trong năm 2010, huyện Diễn Châu và thị xã Cửa Lò đã triển khai mô hình nâng cao chất lượng dân số khi sinh. Hơn 1.200 thanh niên được khám sức khoẻ trước khi kết hôn, hơn 1.000 bà mẹ mang thai được khám thai, siêu âm chẩn đoán sức khoẻ bào thai và được cấp viên sắt. Nhờ tiếp cận được các dịch vụ chắm sóc SKSS, có 45 bà mẹ mang thai có nguy cơ cao được phát hiện và theo dõi kịp thời, góp phần xử lý tốt các hậu quả sau khi sinh.

Với những thành công bước đầu sau 2 năm thực hiện Đề án, Nghệ An sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để kiểm soát dân số vùng biển, ven biển và nâng cao chất lượng dân số như mục tiêu đã đề ra.

>> Năm 2011 là năm thứ 3 Nghệ An thực hiện Đề án 52. Toàn tỉnh phấn đấu có khoảng 72% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các xã ven biển thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại để kiểm soát dân số; hơn 80% dân số vùng biển, ven biển được tiếp cận các dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, cũng như nâng cao toàn diện chất lượng dân số…

 

Trịnh Văn Phác

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!