Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chuyển đổi hành vi về DS – KHHGĐ, thị xã Cửa Lò đã chú trọng công tác tuyên truyền thông qua các nhóm đối tượng ưu tiên. Đặc biệt là xây dựng thành công mô hình truyền thông “nam giới biển”.
Chú trọng công tác dân số
Thị xã Cửa Lò được xác định là một vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An, với sự phát triển của ngành du lịch biển, khai thác thủy sản. Cùng với đó, vấn đề an ninh xã hội và công tác dân số nơi đây cũng luôn được chú trọng, nhằm từng bước cải thiện chất lượng dân số, hướng đến sự phát triển bền vững. Do đó, Cửa Lò cũng được chọn là một trong những vùng được triển khai thực hiện Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52).
Được triển khai tại Cửa Lò từ năm 2009, Đề án 52 hướng đến việc đạt quy mô dân số ở mức 55.000 người (năm 2015) và 62.000 (năm 2020); 80 – 85% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; 70 – 93% dân số được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hoá và di truyền mỗi năm từ 4 – 6% trong giai đoạn 2011 – 2020; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, số liệu về DS – KHHGĐ để UBND thị xã hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020.
Đột phá trong cách làm
Đề án 52 bước đầu được triển khai tại 5/7 phường, xã của thị xã Cửa Lò gồm: Nghi Thủy, Nghi Tân, Nghi Thu, Thu Thủy, Nghi Hương. Bà Trần Thị Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ thị xã Cửa Lò chia sẻ, ngoài những hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKBMTE, KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số khi sinh thì hoạt động hỗ trợ phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và các hoạt động như sinh hoạt nhóm, tư vấn trực tiếp, tư vấn cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ tiền hôn nhân và SKSS… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Cửa Lò đã có nhiều sáng kiến táo bạo trong tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm. Việc ra đời của nhóm “nam giới biển” là một ví dụ tiêu biểu.
Nam giới thị xã Cửa Lò luôn tích cực tham gia công tác DS – KHHGĐ
Mục đích ra đời của các nhóm “nam giới biển” nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ giữa phụ nữ và nam giới trong công tác DS – KHHGĐ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của những người là trụ cột trong gia đình, cùng chị em phụ nữ tham gia công tác tuyên truyền vận động, giúp đỡ chị em tham gia các hoạt động đoàn thể một cách hiệu quả.
Ban đầu, cán bộ chuyên trách dân số của thị xã và phường xuống từng gia đình tuyên truyền vận động nam giới tham gia, tuy nhiên, họ thường xuyên phải tham gia đánh bắt trên biển dài ngày, ít có thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương, và phần lớn còn có tâm lý e dè khi tham gia tư vấn về DS – KHHGĐ, nên bước đầu cũng gặp những khó khăn nhất định. Nhưng, sau khi được cán bộ dân số phân tích về những lợi ích từ việc thực hiện tốt KHHGĐ sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình, đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, gia đình hạnh phúc, văn minh tiến bộ, nhiều nam giới đã vui vẻ đăng ký làm thành viên của nhóm “nam giới biển”.
Hiệu quả thiết thực
Các nhóm “nam giới biển” từ hoạt động tại một số địa bàn, nay đã được mở rộng tại các phường, xã trên địa bàn thị xã Cửa Lò. Như tại phường Nghi Tân, ngay từ buổi ra mắt đầu tiên, nhóm đã thu hút sự tham gia của 32 thành viên nam là những người đang trong độ tuổi sinh đẻ, làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau. Tại đây, các thành viên nam đã được cung cấp kiến thức, kỹ năng cũng như nâng cao vai trò, vị trí của mình trong việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Sau khi ra mắt, các thành viên của nhóm sẽ tiếp tục sinh hoạt theo chuyên đề về SKSS/KHHGĐ, đồng thời tuyên truyền, vận động những đối tượng nam giới khác tham gia nhóm.
Đời sống người dân và chất lượng dân số ở Cửa Lò thay đổi từng ngày
Anh Đậu Văn Yên, phường Nghi Tân chia sẻ, trước đây chỉ biết đi biển, mọi công việc trong gia đình dồn cả lên vai vợ. Nay tham gia nhóm mới biết những công việc “không tên” của vợ ở nhà nặng nhọc biết chừng nào và tự bản thân tôi thấy ngoài nghĩa vụ kiếm tiền, chúng tôi còn phải chia sẻ những khó khăn khác của gia đình cùng vợ.
Cũng từ khi sinh hoạt nhóm, những chuyến đi biển của ngư dân dường như rôm rả hơn, khi ngoài chuyện giá cả, chuyện nắng mưa thời tiết, họ có thêm những kinh nghiệm về KHHGĐ để chia sẻ. Vui nhất là các chuyên trách dân số, bởi từ khi nhóm “nam giới biển” đi vào hoạt động, việc tuyên truyền về dân số, kế hoạch hóa gia đình hiệu quả hơn hẳn.
>> Bà Trần Thị Hoàng Phương – Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ thị xã Cửa Lò cho biết, mô hình nhóm “nam giới biển” đã trở thành điểm nhấn trong công tác truyền thông, vận động thực hiện chính sách DS – KHHGĐ ở Cửa Lò, được đánh giá là cách làm sáng tạo thực hiện có hiệu quả Đề án 52. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở đây còn 9,7% (giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái). |