Những ngày đầu tháng Giêng, đi dọc biển thuộc địa phận các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, chúng tôi được chứng kiến cảnh làng tôm giống vào mùa. Ống khói lò đun nước thi nhau nhả khói, Tiếng máy bơm, tiếng quạt thông gió… tạo nên một không khí khẩn trương của làng nghề trong những ngày đầu năm mới.
Một ngày đầu xuân, chúng tôi ghé thăm trại sản xuất giống tôm của anh Nguyễn Trọng Hoàng ở Quỳnh Bảng. Một cơ sở sản xuất giống có quy mô lớn gồm: 1 trại nuôi tôm bố mẹ, một trại cho đẻ và ương và 2 trại nuôi tôm pots. Sang năm dự kiến sẽ mở thêm một trại nuôi tôm pots nữa. Kỹ sư Hoàng – chủ trại, sau 20 năm lăn lộn với nghề sản xuất giống thủy sản ở các tỉnh phía Nam, dăm năm lại nay, anh về quê hương thuê đất lập trại. Với kinh nghiệm cộng cách tính toán khoa học trong làm ăn, trại của Hoàng nhanh chóng trở thành cơ sở làm ăn có uy tín. Năm 2013 lãi ròng của trại đạt hơn 500 triệu đồng từ giống tôm, cua, cá (con số này theo cán bộ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản là còn khá khiêm tốn).
Kiểm tra chất lượng tôm giống.
Bên chén trà đầu xuân, Hoàng sẻ chia câu chuyện làm tôm giống. Theo Hoàng, cái khó khăn của các trại giống ở miền Trung là thời tiết, nhiệt độ đảm bảo để sản xuất phải từ 28 – 300C. Mùa sản xuất rơi vào mùa đông nền nhiệt thấp, nên phải nâng nhiệt. Ống khói nhả khói suốt ngày đêm là hoạt động của các lò đun nước nóng. Nước đun sôi trong các nồi, được bơm vào hệ thống ống đặt trong các bể chứa để nâng nhiệt, lúc nào cũng phải đảm bảo từ 28 – 300C. Điều không kém phần quan trọng là phải chọn được tôm bố mẹ. Tôm bố mẹ phải đánh bắt ngoài tự nhiên (tôm nuôi trong hồ không bao giờ sinh sản được).
Vào độ giữa tháng Chạp, các chủ trại tôm đã khăn gói lên đường săn tìm tôm giống. Tôm bố mẹ phải được đánh bắt ở ngư trường các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng đến Cà Mau (tôm phía Bắc đẻ kém chất lượng, giống không tốt). Tốt nhất vẫn là tôm Cà Mau, các chủ trại tìm đến các vựa tôm để lựa chọn tôm giống. Chọn được tôm vừa ý phải nhanh chóng vận chuyển tôm về trại sản xuất bằng đường bộ, đường hàng không… nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, vì mỗi cặp tôm bố mẹ lên tới cả chục triệu đồng. Tôm đưa về được nuôi vỗ bằng thức ăn giàu đạm là mực tươi, ốc… Sau khi tôm ổn định, báo cho trạm kiểm định chất lượng giống thủy sản đến lấy mẫu kiểm tra dịch bệnh. Khi có kết quả không có dịch bệnh, chủ trại mới cho tôm đẻ. Từ 20 tháng Chạp, Hoàng đã vào Đà Nẵng bắt 10 cặp tôm giống bố mẹ, đến ngày 25 cho tôm đẻ, đến nay 40 hồ nuôi tôm pots đã đầy. Đến cuối tháng Giêng, Hoàng đã có tôm giống xuất bán, hiện khách đã đặt hàng hơn 20 triệu con giống đợt đầu tiên. Dự kiến năm nay, cơ sở sản xuất giống của Hoàng sản xuất 40-50 triệu tôm giống, sau đó sẽ chuyển sang sản xuất cua, cá giống theo đơn đặt hàng của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Theo Hoàng, năm nay thời tiết thuận, trước tết nắng kéo dài, nền nhiệt ổn định, đỡ một phần chi phí nâng nhiệt, con tôm cũng đỡ sốc khi thời tiết thay đổi.
Rời trại giống của Nguyễn Trọng Hoàng, chúng tôi đến Quỳnh Liên thăm cơ sở sản xuất giống của Trung tâm giống nuôi trồng thủy sản. Trại trưởng, kỹ sư Phạm Hoàng Hiệp, sau cái bắt tay vồn vã, anh thông báo: Tết này anh em ăn tết tại trại vì đón giao thừa trạm cũng đón luôn mẻ tôm đầu tiên. Tuy không được ăn tết cùng gia đình nhưng ai cũng phấn khởi vì tôm đẻ thuận lợi, đến nay đã đầy 7 bể với khoảng 4 triệu pots. Thời tiết thuận lợi nên tôm phát triển bình thường. Theo Hiệp, tôm năm nay đẻ tốt hơn năm ngoái. Sau khi 4 con bố mẹ này đẻ xong, trại sẽ bắt lứa mới bảo đảm sản xuất từ 18-20 triệu con giống cung cấp cho thị trường, sau đó chuyển sang làm cua giống. Từ kết quả bước đầu, với không khí phấn khởi của anh em trong trại, chúng tôi tin rằng một năm mới “ăn nên làm ra” sẽ đến với cơ sở sản xuất giống của Hiệp.
Những thập niên của thế kỷ trước, nuôi tôm công nghiệp ở Nghệ An bắt đầu phát triển, kéo theo đó là nghề sản xuất tôm giống. Do có những cơ chế khuyến khích, đội ngũ kỹ thuật lành nghề cùng với những ưu ái của thiên nhiên, Nghệ An đã nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất tôm giống có uy tín, đủ năng lực để cung cấp cho cả khu vực Bắc Bộ.
Theo Nguyễn Cảnh Hoàng, Phó Trạm kiểm định chất lượng giống thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở đủ tiêu chuẩn sản xuất tôm giống. Với hơn 50 trại. Đã có 11 cơ sở đưa tôm bố mẹ về với số lượng gần 100 con. Trạm đã và đang lấy mẫu để kiểm tra vi rút đốm trắng, cho đến nay chưa phát hiện tôm bố mẹ nhiễm bệnh. Để bảo đảm chất lượng con giống trạm không chỉ kiểm tra tôm bố mẹ, tôm pots lúc xuất bán mà trước mùa sản xuất giống, Trạm đã cùng Chi cục Nuôi trồng thủy sản kiểm tra điều kiện các cơ sở sản xuất. Qua kiểm tra đã đình chỉ 2 cơ sở sản xuất không đủ điều kiện ở Cửa Lò và Diễn Châu. Bước đầu vụ sản xuất tôm giống năm nay là khá thuận lợi về thời tiết, do làm tốt công tác kiểm tra, đến thời điểm này chưa có dịch bệnh xẩy ra. Đầu ra sản phẩm đã được các đại lý từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh đặt hàng. Hiện có khoảng 1/2 số cơ sở sản xuất đã cho tôm đẻ, từ giữa đến cuối tháng Giêng, lứa tôm đầu tiên sẽ được xuất. Với bước khởi đầu thuận lợi, kế hoạch năm nay toàn tỉnh sản xuất khoảng 300 triệu tôm sú giống là hoàn toàn có thể.